Kinh tế Hong Kong rơi vào suy thoái từ năm ngoái, do các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ. Đến tháng 1 năm nay, Covid-19 lại bùng phát. Vì thế, người ta đang ngày càng lo ngại các diễn biến chính trị gần đây sẽ khiến nhà đầu tư, công ty lớn hay lao động nước ngoài ồ ạt chuyển tiền khỏi một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới này.
Trung Quốc đã thông qua xây dựng luật an ninh Hong Kong. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cũng tuyên bố Hong Kong không còn được coi là tự chủ nữa, làm dấy lên nguy cơ Mỹ tước bỏ trạng thái thương mại đặc biệt của thành phố này. "Trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong được gây dựng trên nền tảng lượng lớn nhân tài nước ngoài đến đây làm việc", Kevin Lai - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Daiwa Capital Markets cho biết, "Rất nhiều người có thể sẽ rời đi và mang tiền theo".
Nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang chờ chi tiết luật an ninh mới của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ, để đánh giá việc này ảnh hưởng thế nào đến Hong Kong. Một mối quan tâm lớn khác của họ là liệu bất ổn chính trị có bùng phát trở lại sau nhiều tháng yên ắng hay không. Vài ngày gần đây, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát Hong Kong tại các tuyến phố mua sắm trung tâm, do luật an ninh của Trung Quốc.
"Nhà đầu tư rõ ràng lo lắng vấn đề này", Timothy Moe - chiến lược gia cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs cho biết đầu tuần này, "Chính trị sẽ vẫn là yếu tố đầu tiên thị trường quan tâm".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc hàng loạt biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Hong Kong. Họ có nhiều lựa chọn từ giới hạn visa, phong tỏa tài sản của quan chức Trung Quốc đến áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Hong Kong.
Dù vậy, đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang ồ ạt rời Hong Kong. Đây là một trong những thước đo sức ép lên hệ thống tài chính. Việc này không diễn ra trong suốt thời kỳ Hong Kong bất ổn xã hội năm ngoái. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong (HKMA) tuần này cũng cho biết chưa nhận thấy có dòng vốn lớn rút khỏi đôla Hong Kong hay hệ thống ngân hàng.
Hong Kong không kiểm soát vốn chặt như Trung Quốc, mà cho phép tiền tệ luân chuyển tự do. Thành phố này từng vài lần chứng kiến dòng vốn rút ra ào ạt, như trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, dịch SARS và khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Teresa Kong - Giám đốc danh mục đầu tư tại Matthews Asia thì cho rằng việc này còn phụ thuộc rất nhiều vào luật an ninh được thực hiện như thế nào. Nếu mạnh tay, việc rút vốn sẽ xảy ra.
Hiện tại, vai trò là nguồn vốn, môi trường kinh doanh thuận lợi và lực lượng lao động trình độ cao của Hong Kong là những yếu tố rất mạnh mà Trung Quốc phải cân nhắc. Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc cũng chọn niêm yết tại đây thay vì Mỹ.
Dù vậy, không ai đo lường được chính xác số vốn đến và đi khỏi Hong Kong là bao nhiêu. Xu hướng trên thị trường tiền tệ, chứng khoán và bất động sản cũng có thể bị nhiều yếu tố khác bóp méo. Thay vào đó, các nhà phân tích dựa trên nhiều số liệu để quyết định việc này.
Sự thay đổi thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng là chỉ báo dễ thấy nhất về sức ép với dòng vốn. Việc HKMA gần đây can thiệp để duy trì tỷ giá neo giữa đôla Hong Kong và đôla Mỹ cũng là thông tin hữu ích.
Lượng tiền gửi bị rút ra nhanh hoặc dòng tiền đầu tư quay ngược lại sẽ rút cạn niềm tin vào nền kinh tế này. Dù vậy, đến nay, có rất ít dấu hiệu việc này đang xảy ra. Số liệu của Daiwa cho thấy dòng vốn rời Hong Kong trong tháng 2 và 3 khá khiêm tốn.
Đôla Hong Kong yếu đi cũng phản ánh dòng vốn rút ra. Tuy nhiên, số liệu này không mấy hữu ích, do HKD được neo vào USD từ năm 1983.
Còn trên thị trường chứng khoán, khi Bắc Kinh đưa ra đề xuất về luật an ninh hôm 22/5, chỉ số MSCI Hong Kong giảm 6,9%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008.
Các quan chức Hong Kong, như lãnh đạo tài chính Paul Chan vẫn đang xoa dịu các lo ngại rằng động thái của Trung Quốc đe dọa ngành tài chính tại đây. Tuy nhiên, nhiều tổ chức doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại về "sự mập mờ" của luật này.
Những người khác thì cảnh báo ranh giới giữa căng thẳng chính trị và tự do kinh doanh đang ngày một lu mờ. Tianlei Huang - nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định các diễn biến gần đây có thể châm ngòi cho các công ty rời khỏi Hong Kong, mang theo vốn và lao động. "Niềm tin là một thứ rất mong manh", ông kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)