>>>Ảnh: Máy bay, sim thẻ để hóa vàng cầu siêu |
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày Rằm tháng 7 âm lịch là dịp quan trọng nhất trong năm để con cháu, những người còn sống báo hiếu với tổ tiên. Ngoài mâm cơm cúng, các gia đình thường mua hàng mã để đốt "gửi biếu" cho người đã khuất nên đây cũng là khoảng thời gian thị trường cho đồ "cõi âm" trở nên nhộn nhịp.
Với quan niệm báo hiếu ông bà tổ tiên và tâm lý trần sao âm vậy, người mua thường chọn những bộ đồ cúng lễ tươm tất. Có người cho rằng đồ càng lớn, nhiều và theo kịp "mốt" đương thời thì càng tỏ rõ lòng thành. Thời điểm gần rằm, các con phố chuyên đồ hàng mã nổi tiếng Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã lại đông người mua bán.
![DSC-5891-JPG-1376766222_500x0.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/08/18/DSC-5891-JPG-1376766222.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Trf88-zq1VpFAaXwxxK_Qg)
Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã khẳng định: "Ở đây bán không thiếu gì, trên trần có thứ nào thì đồ mã có thứ ấy. Giá cả thì tùy loại, tùy nhu cầu người mua nhưng nói chung không đắt hơn các năm trước".
Mùa Vu Lan năm nay có thêm sự góp mặt của những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với kiểu dáng được chăm chút hơn hẳn so với hàng được làm trong nước. Những sản phẩm như áo váy, giày dép, tiền vàng nhập khẩu đắt hơn so với mẫu cùng loại được sản xuất trong nước 3.000 - 10.000 đồng… nhưng mẫu mã đẹp và đa dạng nên được người tiêu dùng quan tâm.
Ngoài những mẫu truyền thống ít thay đổi như tiền vàng, quần áo, ngựa, xe máy... các sản phẩm công nghệ năm nay vẫn là điểm nhấn và được "cải tiến" khá nhiều. Nếu như trước đây sản phẩm đi theo bộ gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ và kính thì nay nguyên hộp có đủ tai nghe, sạc, loa, thậm chí cả sim và thẻ nạp cũng có, với giá khoảng 150.000 đồng một bộ. Một bộ máy vi tính mang thương hiệu nổi tiếng được bán với giá 120.000 đồng.
Chán những món xe đạp, xe máy, ôtô của mọi năm, giờ một số người "chịu chơi" còn đặt làm cả... máy bay để hóa cho người đã khuất. Trực thăng và phản lực dài gần 1m có giá 150.000 đồng một chiếc, loại làm cầu kỳ, to và đẹp hơn có thể lên tới 750.000 đồng. "Tùy theo túi tiền và ý khách muốn thế nào, còn kiểu gì cũng làm được hết", một tiểu thương cho biết.
Tuy giá ít biến động và nhiều mẫu mã được làm phù hợp với túi tiền, người bán vẫn nhận định sức mua không bằng trước đây. Chủ các cửa hàng bán vàng mã ở một số chợ tại Hà Nội cho hay, những năm trước từ tháng 6 âm lịch đã bán chạy các mặt hàng chuẩn bị cho tháng Vu Lan, nhưng năm nay phải đến đầu tháng 7 khách mới rục rịch đi mua. Một chủ hàng vừa tính tiền cho khách, vừa nói: "Mấy ngày gần rằm thì bận không có thời gian nghỉ, chứ khoảng một tháng trước có khi ngồi không cả ngày chẳng ai hỏi mua".
Tiểu thương bán hàng mã ở chợ Hà Đông thì nói: "Hàng năm lượng khách mua hàng rất đông, nhưng năm nay kém đi nhiều, nhiều người trước đây mua 10 phần thì giờ chỉ còn có 7 phần". Yêu cầu của khách đặt ra cao hơn, đòi hỏi những người buôn mặt hàng này phải nhanh nhạy và theo kịp thời đại. Các mặt hàng năm nay cũng được chia ra làm 2 loại rõ rệt: chất lượng thường và loại đẹp. Mỗi bộ quần áo cho thần linh loại thường có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng, loại đẹp đắt hơn gấp đôi, khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Đồ giày dép có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng một đôi.
Khải Lam - Anh Quân