Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia vừa cho biết nước này "đặc biệt khuyến khích động thái gần đây" của Trung Quốc trong việc nộp đơn đăng ký gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo tuyên bố được phát đi, cơ quan này "tin tưởng rằng quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Malaysia và Trung Quốc sẽ phát triển lên tầm cao hơn". Phía Malaysia cho rằng Trung Quốc sẽ tham gia thỏa thuận "có thể sớm nhất là vào năm sau."
Trung Quốc đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP vào hôm (16/9). Nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia về xuất khẩu và nhập khẩu. Malaysia đã ký kết CPTPP và quá trình phê chuẩn có thể kết thúc trong năm nay.
Tờ Nikkei đánh giá, với việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gần với Trung Quốc về mặt địa lý và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với cường quốc châu Á này, các thành viên CPTPP trong khối ít phản đối việc Trung Quốc gia nhập. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới đảo quốc vào hôm (13/9) rằng ông hoan nghênh việc Trung Quốc xem xét gia nhập hiệp định.
Trong khi đó, Chủ tịch CPTPP hiện tại là Nhật Bản tỏ ra cảnh giác với viễn cảnh Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong việc định hình thương mại châu Á. Tokyo cho biết họ sẽ đánh giá chặt chẽ xem liệu Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng mức độ tuân thủ cao của CPTPP hay không.
Australia, một thành viên CPTPP khác, cho biết họ không ủng hộ việc Trung Quốc tham gia hiệp định, trừ khi các mâu thuẫn thương mại song phương được giải quyết. Vì Trung Quốc cần sự ủng hộ của tất cả thành viên trong khối, Nhật Bản hoặc Australia có thể ngăn sự gia nhập của họ một cách hiệu quả nếu cần.
Mexico thì có lập trường thận trọng. Bộ Kinh tế nước này hôm thứ Hai (20/9) nói rằng hiệp định vẫn mở cửa cho các quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nó. Đây được coi là những thách thức mà Trung Quốc có thể phải đối mặt khi so với các quy tắc điều hành kinh tế hiện tại của họ.
Tuy nhiên, Malaysia và Singapore đang tìm cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc thông qua các hiệp định thương mại đa phương, và cả với các cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản và Mỹ.
"Nhiều người gợi ý rằng việc ràng buộc Trung Quốc bởi một bộ quy tắc nhất quán sẽ tốt hơn là cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc hoạt động bên ngoài quy tắc", Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á, cho biết.
Nếu Trung Quốc cam kết cải cách nội bộ để đáp ứng các yêu cầu của CPTPP, các thành viên khác của hiệp định có thể trở nên dễ dàng chấp nhận sự gia nhập của Bắc Kinh. Trong kịch bản đó, Nhật Bản sẽ cần một lập luận thuyết phục hơn để vận động các thành viên chống lại sự gia nhập của Trung Quốc.
Trong chuyến đi đến Singapore tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn bày tỏ sự quan tâm đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA), một hiệp ước được thành lập vào năm ngoái bởi Singapore, New Zealand và Chile - những nước đầu tiên khởi xướng TPP.
DEPA nhằm mục đích tạo ra các quy tắc tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ tiên tiến và việc truyền dữ liệu lớn xuyên biên giới. Nếu Bắc Kinh quyết định tham gia DEPA trước Nhật Bản hoặc Mỹ, dấu ấn của Trung Quốc trong các hiệp định thương mại đa phương châu Á sẽ mở rộng hơn nữa.
Hiện tại, các thành viên CPTPP còn lại như Brunei, Việt Nam, Canada và Peru chưa bình luận về sự tham gia của Trung Quốc.
Phiên An (theo Nikkei)