Tiền kỹ thuật số đã tăng mạnh trong năm qua do một làn sóng sôi nổi đầu cơ, được thúc đẩy bởi những người nổi tiếng như Elon Musk, Paul Tudor Jones và Snoop Dogg. Điều đó mang lại cho đám đông sự kỳ vọng rằng chúng chắc chắn sẽ phát triển như một loại tài sản đúng nghĩa. Nhiều người đặt cược vào Bitcoin, thậm chí nhìn thấy những bước đầu tiên của quá trình nó trở thành một loại tiền tệ hợp pháp.
Nhưng chính động lực khiến chúng tăng giá vũ bão cũng đang làm đồng tiền này lao dốc không ngừng. Bitcoin được giao dịch quanh mức 7.000 USD vào đầu năm 2020, đạt mức cao nhất là 64.829 USD vào giữa tháng 4. Kể từ đó, nó bắt đầu lao dốc. Tối 19/5, giá Bitcoin đã có lúc xuống dưới 32.000 USD, nhưng hiện đã phục hồi quanh mốc 40.000 USD.
"Bitcoin là một tài sản dễ bay hơi và như chúng ta thường thấy trên các thị trường tài chính, sự bùng nổ hầu như luôn đi kèm với sự sụp đổ", Rick Eling, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Quilter, bình luận.
Tốc độ giảm giá của tiền số càng nhanh sau khi Trung Quốc nhắc lại rằng các tổ chức tài chính không được chấp nhận tiền số để thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ sử dụng chúng. Trước đây, Trung Quốc đã ban hành các hạn chế đối với tiền số nhưng vẫn không cản được người dân nước này lao vào. Tuy nhiên, cảnh báo mới cho thấy thị trường tiền số vẫn nhạy cảm với các nỗ lực pháp lý của chính quyền.
Việc bán tháo những ngày qua cũng mở rộng sang các loại tiền kỹ thuật số khác. Theo CoinMarketCap, trong 7 ngày qua, Dogecoin đã giảm hơn 16%, hiện giao dịch quanh mốc 37 cent, sau khi từng xuống mức thấp nhất khoảng 22 cent. Ether thậm chí giảm đến 33%, hiện có giá khoảng 2.700 USD. Đến trưa nay (20/5), tổng giá trị của thị trường tiền số đã giảm xuống còn khoảng 1.720 tỷ USD, riêng giá trị của Bitcoin đã giảm xuống còn 745 tỷ USD.
Những tổn thất đó một phần là kết quả của cách thị trường này vận hành. Tiền số đang được giao dịch 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trên hàng trăm sàn khắp thế giới. Một khi lượng mua vào hoặc bán ra tăng mạnh, khiến áp lực quá nóng nhưng thị trường này không có công cụ can thiệp để làm chậm giao dịch khiến giá biến động rất lớn.
Hơn nữa, lần suy thoái này cũng là phản ứng đã có tiền lệ trong lịch sử của tiền kỹ thuật số. Vào năm 2017, giá Bitcoin đã tăng từ 1.000 USD lên gần 20.000 USD, đạt đỉnh vào đúng ngày sàn giao dịch khổng lồ CME Group mở thị trường tương lai cho Bitcoin. Lúc đó, màn ra mắt vốn được mong chờ là sự kiện đánh dấu sự xuất hiện chính thống của tiền kỹ thuật số nhưng lại là cột mốc chấm dứt đà tăng của chính nó.
Năm nay, Bitcoin đạt đỉnh ngày 14/4, trùng với dịp Coinbase Global - sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất của Mỹ - IPO và là sàn tiền số đầu tiên niêm yết. Giống như lần ra mắt của CME, chính sự kiện lẽ ra đáng mừng đó lại kết thúc đà tăng cho tiền số.
Ngày IPO của Coinbase giống như một chiến thắng đối với tiền số, theo nhà phân tích Edward Moya của Oanda. Coinbase được định giá đến 85 tỷ USD, lớn hơn hầu hết các công ty trong S&P 500. Tuy nhiên, ngày hôm đó giống như một bước ngoặt khác. Cổ phiếu của Coinbase đã giảm 41% so với giá chào sàn, bao gồm mức giảm 5,9% ngày 19/5.
Tình trạng bán tháo đã diễn ra khắp các thị trường số. Theo nhà cung cấp dữ liệu Bybt, trong vòng 24 giờ tính đến chiều 19/5 tại New York, khoảng 9 tỷ USD giá trị tiền số đã được bán tháo. Phần lớn là từ các nhà đầu tư đã đặt cược vào sự tăng giá của Bitcoin và một loạt tiền số khác. Việc bán tháo diễn ra khi các nhà đầu tư không thể rút khỏi giao dịch hoặc không bơm bổ sung đủ tiền ký quỹ mà sàn giao dịch yêu cầu.
Một số sàn giao dịch đã báo cáo sự cố trong quá trình bán tháo, làm tăng thêm sự hỗn loạn. Coinbase cho biết họ bị gián đoạn và một số người dùng đang gặp phải sự chậm trễ trong khi cố gắng rút tiền. Kraken, một sàn giao dịch khác của Mỹ, cho biết người dùng gặp khó khăn khi kết nối với ứng dụng và trang web của họ trong bối cảnh lưu lượng truy cập quá lớn.
Một lý do khác cho sự bất định của thị trường tiền số là vai trò của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và các nền tảng không lớn, trong khi đó tiền số lại trôi lênh đênh theo truyền thông xã hội.
Cụ thể, dù cho các nhà đầu cơ Bitcoin cho rằng phần lớn động lực của tiền kỹ thuật số trong năm qua là do các nhà đầu tư tổ chức đổ xô vào thị trường, nhưng dữ liệu cho thấy ảnh hưởng của chúng không đáng kể như dự đoán. Từ tháng 9 đến tháng 2, khoảng 11 tỷ USD đầu tư vào Bitcoin đến từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cả tập đoàn và cá nhân, theo ước tính từ nhà phân tích Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan Chase & Co.
Nhưng trong cùng giai đoạn đó, Bitcoin đã tăng thêm khoảng 800 tỷ USD vốn hóa. Ông Panigirtzoglou lập luận rằng, số tiền đầu tư chuyên nghiệp tương đối nhỏ không tự thúc đẩy đà tăng mà chúng truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư cá nhân, những người lao vào và đẩy giá lên cao hơn.
Có lẽ một trong những tín hiệu mua lớn nhất là thông báo vào tháng 2 của Tesla rằng đã mua 1,5 tỷ USD Bitcoin. Tỷ phú Elon Musk, Nhà sáng lập và CEO của Tesla, đã nổi lên như một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự biến động "hoang dã" của tiền số.
Và sau nhiều tháng đưa ra những bình luận lạc quan về Bitcoin, Dogecoin và các loại tiền kỹ thuật số khác, Musk dường như đã trở thành một người phản đối Bitcoin, khiến một số nhà đầu tư đang tranh cãi nhau trên mạng xã hội.
Có thể thấy, sự khuynh đảo của truyền thông xã hội với tiền số là rất lớn. Hãy nhìn Dogecoin, loại tiền số được tạo ra như một trò đùa nhưng đã tăng hơn 10.000% tính đến cuối tuần trước. Vốn hóa của Dogecoin từng chạm mốc 80 tỷ USD vào đầu tháng này, tăng từ mức dưới 600 triệu USD vào cuối năm ngoái.
Nó càng được chú ý khi Elon Musk và Rapper Snoop Dogg cùng những người khác, đã biến người dùng mạng xã hội không biết gì về tiền số thành những nhà giao dịch hàng ngày. Các F0 này lũ lượt lao vào, giúp Dogecoin có lúc đạt mốc một USD, trước khi quay đầu về mức 37 cent hiện tại.
Những người tạo ra Dogecoin không bao giờ muốn nó có bất kỳ giá trị ý nghĩa nào. Thay vào đó, các nhà giao dịch đang suy đoán rằng nó có thể tiếp tục tăng chỉ dựa trên đà truyền thông xã hội. Điều đó có thể khiến các nhà đầu tư dễ bị thua lỗ và biến động giá mạnh khi sự cường điệu giảm dần.
Sự biến động dữ dội của Dogecoin cũng là một lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư Bitcoin. Mặc dù những người ủng hộ Bitcoin chỉ ra tiện ích của nó như một phương tiện bảo vệ lạm phát hoặc kho lưu trữ giá trị. Nhưng nó cũng không có lịch sử lâu dài và giá trị của nó gắn chặt với sự cảm tính. Nếu có tâm lý chống lại, giá nó sẽ lập tức giảm. Và khi giá tăng thì đó lại là động lực hút các nhà đầu tư mới.
Ông Panigirtzoglou cho biết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, điều quan trọng hơn là có vẻ như dòng vốn tổ chức đang chuyển dần khỏi Bitcoin và quay trở lại vàng truyền thống.
Dòng vốn trung bình đổ vào các quỹ Bitcoin — được đo bằng mức trung bình luân phiên trong 4 tuần — đã giảm kể từ cuối tháng 1 khi đạt đỉnh 600 triệu USD, ông nói. Vào tháng 5, dòng tiền ròng của các quỹ đã chảy khỏi tiền số khoảng 100 triệu USD.
Việc giảm giá so với mức cao gần đây đã khiến một số nhà đầu tư cá nhân bị thiệt hại nặng. Ryan Sheplock, 24 tuổi ở Philadelphia, đã mua một Ether với giá 4.000 USD và một số Dogecoin trị giá khoảng 200 USD vào tuần trước theo sự thúc giục của bạn bè.
"Tôi đã trở thành nạn nhân của việc nó được bơm thổi lên tận mây xanh để người ta mua vào", Sheplock nói. "Tiền số là thế đấy: bạn có thể nhìn vào các biểu đồ mà bạn muốn nhưng lại không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra. Đó là một người đàn ông có thể tweet một cái gì đó rồi khuấy động thị trường".
Phiên An (theo WSJ, NYT)