Ngày 25/1, đại diện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết đang gặp những khó khăn về tài chính và đang làm việc tích cực với các bên liên quan để có phương án giải quyết, đưa nhà máy sớm trở lại hoạt động bình thường.
Theo nguồn tin của VnExpress, hiện nhà máy này đã cắt giảm 20% công suất so với sản xuất bình thường.
Gần đây khi báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền, nhà máy này cho biết có thể phải tạm dừng sản xuất từ giữa tháng 2 nếu tình hình tài chính không sớm được các bên liên quan tháo gỡ.
Với thị phần nguồn cung khoảng hơn 35%, Lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất, hoặc xấu hơn là có thể dừng sản xuất, sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước.
Trước thông tin này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, để đảm bảo nguồn cung, Bộ cũng làm việc với lãnh đạo Lọc dầu Nghi Sơn và một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước. Sau cuộc họp, Bộ đã yêu cầu phía Nghi Sơn báo cáo về kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu (dầu thô), kế hoạch sản xuất như đã đăng ký.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu, nhằm "tránh chuyện ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước".
"Doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ cần tính toán cân đối chi phí giữa được - mất khi dừng sản xuất và tiếp tục vận hành", ông nói với VnExpress.
Với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, Bộ Công Thương yêu cầu họ có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Nhà máy này do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.
Những khó khăn, vướng mắc của Lọc dầu Nghi Sơn cũng như nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ với dự án này... từng nhiều lần được PVN nêu trong các cuộc làm việc với cấp có thẩm quyền.
Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV diễn ra giữa tháng 11/2021, Quốc hội đã đồng ý cho PVN được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ, để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng "Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ". Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm. Số liệu này phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
Hoài Thu