Nội dung này nằm trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, vừa được các đại biểu thông qua sáng nay (13/11).
Cũng theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng "Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ". Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm. Số liệu này phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
Có ý kiến đề nghị không thiết kế nội dung về cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành một mục riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là "một nội dung quan trọng", cần phải nêu rõ yêu cầu để Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện và là căn cứ để Quốc hội, các cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,44 tỷ USD. Phần lớn vốn giải ngân cho dự án này là vay ngân hàng, còn lại do các bên góp vốn.
Dự án này được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%...
Minh Sơn