Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) do Bộ Công Thương vừa chủ trì tổ chức, một trong những nội dung được nhiều diễn giả, chuyên gia quan tâm là cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam trước vận hội mới là gì?
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số, đang là xu thế lớn trên toàn cầu, tạo động lực phát triển khoa học, công nghệ. |
TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế cho rằng, trước khi diễn ra cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, thế giới cũng có sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam.
Tuy nhiên, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đổ bộ thì theo ông Thiên, những điều trên sẽ thay đổi, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế khi đưa công nghiệp chế tạo quay lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ và các trung tâm R&D.
“Bằng chứng là số liệu của Liên Hợp Quốc dự báo 75% lao động trên thế giới sẽ mất việc làm trong vài thập niên tới. Hon Hai (Foxconn) sử dụng 45.000 robot để thay thế toàn bộ lao động ‘thông thường’. Amazon trong mùa hè 2016 chỉ có 10.000 robot, hiện tại đã triển khai hơn 15.000 robot”, ông Thiên dẫn chứng.
Chuyên gia này cũng cho biết, hiện ở Trung Quốc, ngành công nghiệp chế tạo robot đang phát triển "quá đà" và dư thừa năng lực sản xuất. Cụ thể quốc gia này có hơn 800 doanh nghiệp sản xuất robot, chế tạo 72.400 robot công nghiệp trong năm 2016, tăng 34,3% so 2015.
Với tình thế đó, theo ông Thiên, Việt Nam sẽ chịu áp lực tụt hậu nhưng vẫn phải hội nhập vào thế giới công nghệ cao và cạnh tranh trong đó.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, dệt may, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, đến doanh nghiệp và các địa phương… Tuy nhiên, cuộc cách mạng này vẫn đang trong giai đoạn khởi phát nên sẽ là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc cách mạng này là rất lớn.
Tại diễn đàn, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các diễn giả là mô hình kinh tế chia sẻ đã đổ bộ vào Việt Nam từ vài năm nay như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob, Grabr, Ahamove. Airbnb…
Bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại.
“Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này, chiếm 75%”, bà Việt Anh nói.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, kinh tế chia sẻ hiện cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống, quản lý giao dịch điện tử, quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội…
TS. Phạm Đình Thưởng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để giải quyết những khó khăn này, rõ ràng các Chính phủ phải sử dụng công nghệ số (chính quyền số). Tuy nhiên, cũng theo ông, nếu như những thách thức trong hoạch định chính sách trước những tác động của một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các nước phát triển là một thì đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là 10.