Báo cáo Chính phủ ngày 17/2, Bộ Công Thương đề xuất, các dự án được phê duyệt trước ngày 23/11/2019, vận hành thương mại trước 1/1/2021 được hưởng giá FIT 7,09 cent một kWh, tương đương 1.620 đồng với dự án mặt đất và 7,69 cent (1.758 đồng) với dự án nổi. Giá này chưa gồm thuế VAT.
Đề xuất mới này lại khác so với với đề nghị trong văn bản gửi Chính phủ cách đây một tuần. Khi đó, Bộ đề xuất, dự án đã có hợp đồng mua bán điện (PPA) mới được hưởng giá FIT cố định. Số dự án mới ký chủ trương đầu tư sẽ phải theo cơ chế đấu thầu giá cạnh tranh.
Việc thay đổi, theo Bộ Công Thương, do nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã bỏ nhiều thời gian, kinh phí hoàn thành các thủ tục quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị xây dựng, thi công các hạng mục phụ trợ và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật... Việc chưa ký PPA phần lớn do nguyên nhân khách quan. Quyết định 11/2017 hết hiệu lực vào 30/6 nên chưa có cơ sở để EVN ký hoặc ký nguyên tắc hợp đồng này cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư không thực hiện được sẽ ảnh hưởng đến cam kết của UBND tỉnh, môi trường đầu tư, uy tín với chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Vì thế, nếu chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh với số dự án này, có khả năng sẽ làm chậm tiến độ, tăng thời gian, chi phí và nguồn lực với chủ đầu tư, giảm hiệu quả dự án.
Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện những năm tới hoặc phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao, việc huy động được công suất của các dự án điện mặt trời vào kịp vận hành năm 2020, sẽ bổ sung kịp thời các nguồn điện.
Hiện có 7 dự án đã ký hợp đồng PPA, đang thi công xây dựng với tổng công suất gần 517 MW và 36 dự án đã có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, tổng công suất gần 2.989 MW.
Anh Minh