Đây là quý tệ nhất lịch sử nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Hồi quý I, kinh tế Anh đã co lại 2,2%. Hai quý giảm GDP liên tiếp đã đẩy Anh vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Mức giảm GDP quý của nước này cũng lớn hơn nhiều so với 12,1% của eurozone và 9,5% của Mỹ. Cả dịch vụ, xây dựng và sản xuất đều giảm kỷ lục trong quý II, đặc biệt tại các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất từ lệnh phong tỏa.
Dù vậy, GDP tháng 6 đã tăng 8,7% nhờ các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Con số này đang cải thiện dần, sau mức giảm 20,4% hồi tháng 4.
"Nền kinh tế đã phục hồi trở lại trong tháng 6, khi các cửa hàng mở lại, nhà máy tăng sản xuất và hoạt động xây nhà tái khởi động", Jonathan Athow – lãnh đạo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh nhận xét, "Dù vậy, GDP tháng 6 vẫn kém xa tháng 2 – thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện".
So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý II của Anh giảm 21,7%. Dù vậy, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng lưu ý rằng số liệu ước tính của họ lần này khó chính xác như thường lệ, do việc thu thập thông tin gặp nhiều thách thức.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo quy mô nền kinh tế này chỉ quay lại thời kỳ tiền đại dịch vào quý cuối năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được dự báo tăng vọt.
Trước Anh, hàng loạt nền kinh tế đã bị đẩy vào suy thoái vì đại dịch. Từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và gần nhất là Philippines.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)