Các nền kinh tế lớn nhất của khối đều giảm ở mức hai chữ số trong quý. GDP của Đức giảm 10,1%; Italy giảm 12,4%; Pháp giảm 13,8%; và Tây Ban Nha giảm 18,5%. Trước đó, Eurozone đã chứng kiến sự suy giảm kinh tế ở mức 3,6% trong quý đầu năm. Các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều giảm hơn 5% trong giai đoạn đó.
Sở dĩ quý II có mức suy giảm sâu vì giai đoạn giữa tháng 4 đến tháng 6 trùng với thời gian nhiều chính phủ châu Âu phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch và chỉ dần nới lỏng khi quý vừa rồi sắp kết thúc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn sắp tới. Một số quốc gia lại báo cáo sự gia tăng nhiễm bệnh trong những tuần gần đây.
"Trong khi vài phần của nền kinh tế đã hoạt động trở lại vài tháng qua thì những tổn thất cộng với tác động tiềm tàng của virus hiện nay và tương lai khiến cho sự phục hồi sẽ chậm một cách đau đớn", Andrew Kenningham, Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, nhận định.
Vào tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo kinh tế Eurozone sẽ giảm 8,7% GDP vào năm 2020. ECB cho rằng hoạt động sẽ hồi phục đáng kể trong quý III so với sáu tháng đầu năm. Trong khi đó, cơ quan thống kê Eurostat cũng cho biết hôm thứ sáu (31/7) rằng lạm phát trong khu vực đồng euro là 0,4% trong tháng 7 vừa qua, tăng từ mức 0,3% trong tháng 6.
Các chính phủ trong khối nói rằng họ sẽ không đóng cửa nền kinh tế hoàn toàn như trước đây. Nhưng các quan chức cho biết họ sẵn sàng áp đặt các quy tắc bổ sung và chặt chẽ hơn với các cuộc tụ họp và các quy tắc giãn cách xã hội khác để tránh một làn sóng bùng phát dịch thứ hai.
Phiên An (theo CNBC)