Sáng 12/8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36, thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi. Về đề xuất bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan Kiểm toán, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, thường trực cơ quan này đồng ý. Tuy nhiên, dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin, có cả mật, tối mật, tuyệt mật. Đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin.
"Để quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố thì cần quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ kiểm toán viên", ông Hải nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, việc truy cập dữ liệu điện tử với cơ quan kiểm toán là cần thiết, nhưng "quyền hạn truy cập tới đâu phải làm rõ ngay trong dự Luật".
"Nếu bất cứ dữ liệu nào kiểm toán viên cũng có quyền truy cập là vi phạm quyền công dân. Quy định không rõ sẽ chồng chéo với những luật khác đã có như Luật An ninh mạng...", ông Hiển lưu ý.
Sau đó, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải thích, dự Luật lần này đã bổ sung nội dung về trách nhiệm, phân quyền truy cập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên về tính bảo mật dữ liệu truy cập.
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 7 (tháng 5/2019), lần này ban soạn thảo - Kiểm toán Nhà nước xin ý kiến các thành viên Uỷ ban thường vụ việc sửa nhiệm vụ "thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng" thành "xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng".
Theo Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Thủ tướng có quyền yêu cầu kiểm toán Nhà nước thực hiện một số cuộc kiểm toán. Yêu cầu này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là "đúng, chính đáng", bởi thực tiễn điều hành, quản lý Chính phủ, Thủ tướng phát hiện những vấn đề cần phải có cơ quan kiểm toán vào cuộc, làm rõ. Song bà cho rằng, dự Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi lần này cần quy định rõ cơ chế để tránh hiện tượng "ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán".
"Kiểm toán Nhà nước trước hết phải thực hiện kế hoạch kiểm toán Quốc hội đã phê duyệt. Những yêu cầu của các cơ quan khác, không phải Quốc hội thì có phải báo cáo không? Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch kiểm toán đã được duyệt thì Nghị quyết của Quốc hội thế nào", bà Ngân đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kiểm toán không thể đáp ứng được hết các yêu cầu với nguồn lực, con người hiện nay nên trước tiên phải thực hiện theo sát Nghị quyết Quốc hội. Và riêng nhiệm vụ hàng năm phải làm của Kiểm toán Nhà nước theo Nghị quyết Quốc hội theo bà "đã rất nhiều".
"Tôi khẳng định lại nhu cầu kiểm toán luôn gắn với thực tiễn quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Do đó, thẩm quyền yêu cầu cần kiểm toán của Thủ tướng, Chính phủ là đúng, có trong thực tế, nhưng phải quy định trong luật này như thế nào để tránh mâu thuẫn với Nghị quyết Quốc hội", Chủ tịch Kim Ngân nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên mở rộng thẩm quyền đề nghị kiểm toán cho các chủ thể khác nhau, ngoài Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Song, cơ quan kiểm toán có thực hiện theo những đề nghị này hay không thì "phải có sự xem xét, bổ sung vào kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội phê duyệt".
Với tư cách cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, thường trực Uỷ ban đồng ý với đề xuất của Kiểm toán Nhà nước để "kiểm toán bảo đảm nguồn lực, chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội quyết định". Tuy nhiên, theo ông Hải, Kiểm toán Nhà nước cần giải trình rõ hơn, thống kê và đánh giá tác động khi thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm toán thực hiện từ khi Luật này có hiệu lực đến nay.
"Cơ quan kiểm toán cần làm rõ mức độ ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng các kiểm toán để có căn cứ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định", ông Hải nêu.
Anh Minh