Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng chậm lại, còn 6,5%, thấp hơn mục tiêu 6,8% Chính phủ đưa ra cuối năm ngoái. Tốc độ này sẽ duy trì sang năm tới và trong trung hạn, phản ánh điều kiện bên ngoài dần kém thuận lợi. Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 7,1%, cao nhất 10 năm.
IMF tính toán lạm phát Việt Nam đạt trung bình 3,5% năm 2018. Số liệu này có thể tăng tốc, lên 3,6% năm nay và 3,8% năm 2020.
Tổ chức này đánh giá năm ngoái, Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, kinh tế vẫn vững vàng, nhờ thu nhập và tiêu dùng tăng ổn định, mùa màng tốt và sản xuất tăng vọt.
"Đà tăng trưởng kinh tế mạnh được dự báo kéo dài sang năm 2019, nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố nền tảng vững chắc khác, trong đó có cấu trúc thương mại đa dạng và nhiều hiệp định thương mại tự do ký kết gần đây. Những điều này đều đang thúc đẩy quá trình cải tổ", IMF nhận định.
IMF đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa các thể chế kinh tế và cải thiện khả năng quản trị. Tổ chức này cho rằng Việt Nam nên tập trung củng cố quy định chống tham nhũng và tăng giám sát doanh nghiệp nhà nước.
IMF cho rằng kinh tế vững mạnh tạo cơ hội thực hiện nhiều biện pháp cải tổ tham vọng, nhằm cân bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Cải tổ cũng có thể thu hút đầu tư nhờ giảm thủ tục hành chính, quy trình cấp phép và rào cản thương mại.
Năm nay, nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam chậm lại. Hồi tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt 6,8% năm nay và 6,7% năm 2020.
Trong báo cáo Điểm lại công bố đầu tháng, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam tăng 6,6% năm nay do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục thắt chặt. Hai năm tới, tốc độ này có thể về 6,5%. Lạm phát được dự báo vào khoảng 3,7% năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát của Chính phủ là 4%.
Hà Thu (theo Reuters)