Pompeo ca ngợi những nước như Séc, Ba Lan và Estonia "chỉ cho phép những nhà cung cấp đáng tin tham gia mạng 5G". Carisa Nietsche - nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ thì cho biết nhiều nước trong số này đã quyết định việc trên từ năm ngoái rồi. Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn hơn tại châu Âu, như Anh, Pháp và Đức vẫn chưa công bố cấm Huawei hoàn toàn.
Tuy nhiên, Nietsche nhận định "làn sóng thay đổi tại châu Âu đã bắt đầu". Các quốc gia và nhà mạng châu Âu giờ lại lo lắng Huawei có khả năng cung cấp hạ tầng 5G như cam kết hay không, khi "việc kinh doanh của họ chịu đòn giáng lớn" từ quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Trước đó, Huawei từng ở trong tình cảnh này rồi. Năm ngoái, chính phủ Mỹ cấm các công ty nước này bán công nghệ và linh kiện cho Huawei mà không xin phép. Huawei đã tích trữ hàng hóa và tìm nhà cung cấp thay thế. Kết quả là họ vẫn kinh doanh ổn định, bất chấp lệnh cấm của Mỹ.
Dù vậy, doanh số bán smartphone quốc tế của họ lại lao dốc, do các dòng sản phẩm mới không được tiếp cận ứng dụng của Google. Kể cả sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh 2019 tốt, Huawei cũng cảnh báo 2020 sẽ là "năm khó khăn". Điều này có thể đúng. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ, quyết định loại bỏ thiết bị 5G Huawei của Anh và căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ đang khiến Huawei càng gặp khó.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất mà Mỹ công bố vào tháng 5 có tác động lớn hơn lệnh cấm năm ngoái. Các công ty sử dụng bất kỳ trang bị và phần mềm nào của Mỹ cũng sẽ không được cung cấp chip cho Huawei nếu không có giấy phép từ Washington. Quy định mới sẽ hạn chế các hãng như TSMC xuất khẩu chip máy tính và các linh kiện cần thiết khác cho Huawei. Hãng môi giới Jefferies cho rằng không có loại chip này, Huawei không thể làm trạm BTS 5G và sản xuất các thiết bị khác.
"Dựa trên quy tắc xuất khẩu trực tiếp mà Mỹ áp dụng hiện tại, tôi thực sự nghĩ rằng mảng thiết bị 5G của Huawei đang bị đe dọa nghiêm trọng", Edison Lee - nhà phân tích tại Jefferies nhận xét, "Nếu luật không thay đổi, và căng thẳng Mỹ - Trung không hạ nhiệt, tôi cho rằng nguy cơ cao là Huawei phải dừng cung cấp thiết bị 5G từ đầu năm sau".
Trên CNN, người phát ngôn của Huawei Evita Cao chỉ cho biết "vẫn đang nhận được sự ủng hộ của khách hàng". Hồi tháng 5, họ cũng nói rằng "kịch liệt phản đối" lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ, gọi đây là quy định "phân biệt đối xử".
"Việc này sẽ gây tác động nghiêm trọng lên nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu và hủy hoại sự hợp tác trong ngành sản phẩm bán dẫn", Huawei cho biết trong thông báo, "Chúng tôi dự báo việc kinh doanh của công ty không tránh khỏi ảnh hưởng".
Sau đó, Huawei lại gặp rắc rối ở Anh. Cuối tuần trước, Telegraph cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ dần loại bỏ công nghệ 5G của Huawei khỏi nước này "ngay trong năm nay", đảo ngược quyết định trước đó là cấp quyền hạn chế cho Huawei tham gia mạng 5G. Cuối tháng trước, Oliver Dowden - người phụ trách truyền thông và kỹ thuật số nước này nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ "có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp mạng 5G của Huawei".
Đầu năm nay, Huawei cho biết đã ký 91 hợp đồng thương mại 5G. Hơn nửa số đó ở châu Âu, 27 ở châu Á và 17 ở các nước khác.
Mỹ từ lâu đã coi Huawei là công cụ giúp Trung Quốc do thám nước khác. Trong khi đó, Huawei khẳng định họ là công ty tư nhân, thuộc sở hữu của hàng nghìn nhân viên. Những người chỉ trích cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc Huawei do thám các nước khác. Huawei thì nói rằng điều này chưa bao giờ xảy ra, và nếu có, họ cũng sẽ từ chối các yêu cầu như vậy.
Dù vậy, kể cả khi đã khẳng định sự độc lập với Bắc Kinh, Huawei cũng đang mắc kẹt trong căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, cùng sự ngờ vực ngày càng lớn từ châu Âu và Ấn Độ. Đại dịch càng khiến các mối quan hệ này thêm căng thẳng. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đổ lỗi cho Trung Quốc vì để bùng phát dịch bệnh. Nhiều nước khác cũng ngần ngại khi thấy phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh trước những lời chỉ trích này.
Nietsche cho biết từng có thời điểm trong đại dịch, "Trung Quốc có thể khẳng định vị thế là lãnh đạo toàn cầu, nhưng họ lại xử lý khá vụng về". Đặc biệt là tại châu Âu, khi nhiều khẩu trang Trung Quốc gửi sang đây bị đánh giá kém chất lượng.
Các nước châu Âu cũng đang lo ngại về cán cân thương mại và quan hệ đầu tư không cân bằng với Trung Quốc. Vài tháng gần đây, họ đã có các động thái nhằm ngăn công ty Trung Quốc thâu tóm các biểu tượng công nghiệp của khối này và giành các hợp đồng của chính phủ.
Nietsche cho biết có nhiều tín hiệu từ Đức và Anh cho thấy họ sẽ loại bỏ hoặc ít nhất cũng không cho phép Huawei tham gia phần cốt lõi của mạng 5G. Đức đang điều tra dòng dữ liệu của Huawei để xem công ty này có làm trái quy định châu Âu hay không.
Ấn Độ cũng đang cân nhắc việc dùng thiết bị của Huawei trong mạng 5G nước này, Chaitanya Giri - nhà phân tích tại tổ chức cố vấn Gateway House (Ấn Độ) cho biết. Huawei đã được bật đèn xanh tham gia thử nghiệm cuối năm ngoái. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vài tuần gần đây căng thẳng sau vụ ẩu đả tại biên giới.
Nhiều người Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ tuần trước cũng cấm hàng chục ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, vì "đe dọa chủ quyền quốc gia".
Giri cho rằng Huawei có thể sẽ chịu sức ép từ căng thẳng leo thang. Người Ấn Độ "rất kiên định rằng sẽ không sử dụng bất kỳ thiết bị nào của Trung Quốc".
Động thái của châu Âu và Ấn Độ cho thấy trong những năm tới, hoạt động đầu tư của Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì. "Các nước lớn đang có cùng chung quan điểm rồi", Giri kết luận.
Hà Thu (theo CNN)