Kết luận của Thủ tướng về tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chính thức chiều 8/4. Theo đó, công ty Thông tin di động (VMS - Mobifone) cùng Học viện Cộng nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ được điều chuyển nguyên trạng từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Bộ được giao trách nhiệm xây dựng phương án cổ phần hóa Mobifone, trong đó làm rõ và kiến nghị việc sử dụng số tiền thu được từ cổ phần hóa để trình Thủ tướng. Mobifone được tách ra riêng, không kèm 62 công ty cổ phần là đơn vị con của VNPT hiện nay. Trước đó, theo đề án do VNPT trình lên, Mobifone khi tách ra sẽ kèm theo 62 công ty thành viên do tập đoàn góp vốn đầu tư.
Nếu phải tách ra kèm với các đơn vị trên, Mobifone sẽ phải gánh số tiền 1.600 tỷ đồng, tuy nhiên lãnh đạo nhà mạng khẳng định sẽ không gặp khó khăn gì. "Lợi nhuận 2013 của chúng tôi là 6.000 tỷ đồng, trong khi thoái vốn chỉ khoảng 1.600 tỷ đồng nên phần khấu hao vẫn còn khá nhiều", ông chia sẻ.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNPT giai đoạn 2006-2011, dự án Vinasat 1 và 2 có tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng, nhưng đến năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt, lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng. Tổng vốn tại 60 doanh nghiệp còn lại khoảng 1.600 tỷ đồng.
Trong báo cáo kết luận tách Mobifone, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện đề án và dự thảo quyết định phê duyệt để trình lên trong tháng 4/2014. Thủ tướng đánh giá viễn thông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
"Tuy nhiên gần đây tốc độ tăng trưởng của VNPT chậm lại, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý bộc lộ nhiều bất hợp lý. Tái cơ cấu VNPT trở thành yêu cầu cấp thiết để tổ chức lại thị trường viễn thông cạnh tranh, phù hợp với quy định của pháp luật", Thủ tướng kết luận. Việc này sẽ tạo động lực để tập đoàn phát triển hiệu quả hơn, xứng đáng là tập đoàn kinh tế nòng cố trong lĩnh vực viễn thông.
Tại buổi làm việc chiều 8/4 ở trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi công bố kết luận của Chính phủ, cơ quan quản lý đã yêu cầu đại diện các đơn vị truyền thông rời phòng họp trước khi trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp viễn thông có liên quan để lắng nghe chia sẻ và hướng dẫn. Trước đó, trả lời tại phiên họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bắc Son từng khẳng định "quyết định về quy trình tái cơ cấu VNPT sẽ được công bố một cách công khai, minh bạch".
Anh Quân