Hôm nay, lãnh đạo hơn 50 công ty Thụy Điển và các tổ chức hỗ trợ thương mại đã đến Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh với chủ đề "Đối tác vì phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo". Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Thụy Điển sang Việt Nam từ trước đến nay.
Sự kiện được tổ chức nhằm củng cố hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp Thụy Điển sẽ giới thiệu giải pháp về chế tạo, thành phố thông minh, công nghệ thông tin - truyền thông, giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục và tính bền vững.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển - Ann Linde cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều lý do để tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội thương mại và kinh doanh". Bà đánh giá cao Việt Nam về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu, sự lạc quan của doanh nghiệp và độ mở của nền kinh tế.
"Với Thụy Điển, Việt Nam không chỉ là thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia và trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai. Việt Nam còn có hệ sinh thái kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam", bà cho biết.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Đến nay, các công ty Thụy Điển có mặt tại Việt Nam đã tạo ra hơn 120.000 việc làm. Kim ngạch thương mại song phương đạt trên 1,3 tỷ USD năm ngoái.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao – Phạm Bình Minh cũng đánh giá hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng và hiện tại là thời điểm vàng để thắt chặt quan hệ. "Việt Nam muốn hợp tác, học hỏi từ những quốc gia giàu kinh nghiệm, các tập đoàn công nghệ hàng đầu để bắt nhịp Cách mạng Công nghiệp 4.0", ông cho biết. Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ thương mại tự do và muốn Thụy Điển tiếp tục tác động để Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn, vì lợi ích chung của cả hai bên.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có chung quan điểm này. Ông Lộc nhận định Việt Nam đang có vị thế tốt để tận dụng EVFTA. Dù vậy, để làm được điều này, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số lĩnh vực, như môi trường kinh doanh, nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Hà Thu