Chuyện trách nhiệm của cơ quan kiểm toán sau khi doanh nghiệp kiện ngành thuế một lần nữa được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Quản lý thuế sáng 24/5. Trước đây, ông Dũng và người đồng cấp bên phía Kiểm toán Nhà nước - ông Hồ Đức Phớc cũng đã tranh luận gay gắt ở những phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Ông Dũng cho biết, Luật Kiểm toán Nhà nước quy định, báo cáo kiểm toán bắt buộc phải thực hiện nhưng báo cáo này lại không phải quyết định hành chính. Cơ quan thuế sau đó ra quyết định truy thu của doanh nghiệp dựa trên kết luận của cơ quan kiểm toán, và nhiều trường hợp doanh nghiệp kiện, khiếu nại ngược lại nhưng kiểm toán lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Ông Dũng dẫn lại vụ truy thu thuế của Unilever Việt Nam như một ví dụ điển hình. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu của Unilever 870 tỷ đồng, sau đó lại thống nhất truy thu hơn 500 tỷ và cuối cùng "chốt" lại, đồng ý chỉ thu hơn 384 tỷ đồng.
"Nếu chúng tôi quyết định ngay truy thu hơn 870 tỷ thì doanh nghiệp sẽ kiện cơ quan thuế ra tòa. Cơ quan thuế phải giải trình trước tòa", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho rằng đây là điểm cần phải tính toán lại.
Không đồng tình với quan điểm của lãnh đạo ngành tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giơ biển tranh luận. Ông Hồ Đức Phớc giải thích, việc kiểm tra nhằm đánh giá lại một số hồ sơ và đơn vị nộp thuế có thực hiện đúng chức năng, quyền hạn hay không, có để bỏ sót nguồn thu hay không... Khi kiểm toán, thanh tra vào làm việc ở doanh nghiệp thì cơ quan thuế có trách nhiệm giải trình và cần cử cán bộ làm việc cũng như chịu trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ...
Do đó, "khi lập biên bản, cơ quan thuế phải có trách nhiệm thực hiện kết luận của kiểm toán, thanh tra. Doanh nghiệp kiện cơ quan thuế là đúng", Tổng Kiểm toán nêu quan điểm.
Ở vụ việc của Unilever, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói thêm, thanh tra Cục thuế TP HCM đã kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng và doanh nghiệp đã nộp. Sau đó Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra hồ sơ và kết luận cần truy thu thêm hơn 800 tỷ đồng.
Ông Phớc cho hay, Cục Thuế TP HCM chỉ thanh tra trên số liệu thuế thu nhập doanh nghiệp của Unilever với phần đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế giai đoạn 2009-2013, mà chưa kiểm tra, rà soát các tài liệu liên quan khác. "Thanh tra thuế khi đó đã làm không đúng quy trình", ông Phớc nói.
8 tháng sau, Unilever có khiếu nại, cung cấp thêm hồ sơ về dự án đầu tư mở rộng và sau khi làm việc lại các cơ quan liên quan thống nhất truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế. Sau nhiều lần làm việc, trao đổi, số thuế "chốt" lại cuối cùng doanh nghiệp này phải nộp là 384 tỷ đồng, không gồm khoản tiền chậm phạt nộp.
"Chúng tôi bàn với các cơ quan thuế là họ chấp nhận số tiền đó thì cứ để họ nộp, còn hồ sơ mở rộng bổ sung sau, chứ không phải do Kiểm toán làm không chính xác", Tổng Kiểm toán Nhà nước giải thích.
Luật Kiểm toán sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp này cũng đề cập tới quyền khiếu nại cơ quan kiểm toán. Theo đó, Dự thảo Luật cho phép tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, kiện cơ quan kiểm toán nếu báo cáo kiểm toán sai. Thảo luận ở cuộc họp tổ chiều qua (23/5), các đại biểu Quốc hội đồng tình và cho rằng, bổ sung quyền khiếu nại này sẽ bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động kiểm toán.
Anh Minh