Chiều 9/12, đại diện Grab đã làm việc với Tổng cục Thuế để chia sẻ về những vướng mắc khi thực hiện Nghị định 126 - thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ từ 5/12.
Nhưng kết thúc cuộc gặp, Grab phát đi thông cáo cho biết "hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào", khi Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT.
Grab nói, cơ quan thuế muốn tăng mức thu thuế với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các tài xế này không có khả năng khấu trừ VAT đầu vào. Ngành thuế cũng không giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán.
Ví dụ, ngành thuế khẳng định tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu VAT cho khoản doanh thu của mình. Nhưng Grab dẫn một công văn ngày 8/2/2017 của Tổng cục Thuế cho thấy cơ quan này đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng.
Công văn trên hướng dẫn doanh nghiệp rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể gồm phần doanh thu của Grab (chịu thuế 10%), còn phần doanh thu của đối tác tài xế (chịu mức thuế 3%) theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng với cá nhân kinh doanh.
Grab cho rằng, hiện Tổng cục Thuế muốn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức. Nhưng theo họ, Nghị định 126 chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế VAT thì phải căn cứ vào Luật Thuế giá trị gia tăng.
"Việc phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật Thuế giá trị gia tăng", Grab cho hay.
Sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, để bù phần thuế VAT phải nộp, Grab tăng 5-6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc và tăng mức khấu trừ với tài xế trên mỗi chuyến xe từ 20% lên hơn 27,2%.
Trao đổi với VnExpress sau cuộc làm việc với Grab, đại diện cơ quan thuế khẳng định việc Grab tăng mức khấu trừ và giá cước không phải do Nghị định 126 mà là vấn đề "doanh nghiệp thay đổi chính sách".
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) giải thích, Grab nói tăng giá cước là do thuế nên mới phải có buổi làm việc chiều 9/12. Nhưng thuế không thể can thiệp khi Grab tăng tỷ lệ khấu trừ, tăng giá cước bởi đó là quyền của doanh nghiệp. Theo bà, phía Grab cũng không cung cấp được đầy đủ thông tin việc tăng này là do thuế.
Bà Lan phân tích, thuế VAT đánh vào người dùng và giá chỉ tăng khi một trong hai yếu tố là thuế suất hoặc cơ sở tính thuế (mức giá xây dựng khi chưa gồm VAT) tăng. Nếu thuế suất tăng, trách nhiệm là do cơ quan thuế, còn cơ sở tính thuế tăng là do doanh nghiệp, bà nói. Trong trường hợp này, cơ quan thuế khẳng định thuế suất VAT 10% áp dụng lên loại hình hoạt động là doanh nghiệp kinh doanh vận tải không thay đổi.
Trước đây, do hành lang pháp lý và hướng dẫn của cơ quan thuế còn thiếu sót, Grab kê khai chưa đúng và chưa đủ thuế VAT, nên khi tính lại thuế theo Nghị định 126, Grab có trách nhiệm xây dựng lại mức giá chưa gồm VAT để giá không tăng.
"Còn nếu Grab vẫn muốn giữ nguyên thu nhập của họ thì đương nhiên giá sẽ tăng, nhưng không phải do cơ quan thuế tăng thuế suất", bà Lan nói. Cơ quan thuế đề nghị Grab phối hợp để truyền thông đúng bản chất của vấn đề.
Yêu cầu của cơ quan thuế là Grab phải khai thuế VAT với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh. Cho rằng Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, ngành thuế yêu cầu doanh nghiệp khai thuế VAT theo phương pháp khấu trừ, thuế suất là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ VAT đầu vào.
Anh Tú - Quỳnh Trang