Phần lớn tài xế đều cho rằng mức thu này quá cao và lo thu nhập thực nhận giảm mạnh trong bối cảnh cuộc sống ngày càng khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tới đầu giờ chiều, lượng tài xế kéo về khu vực phố Duy Tân (Cầu Giấy), nơi có văn phòng của Grab tại Hà Nội ngày càng đông. Thậm chí, các tài xế bấm còi xe, căng băng rôn phản đối và livestream.
Họ hô hào nhau chạy qua nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Láng, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh. Sau đó, đoàn tiếp tục chạy xe lên khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm nhưng đã bị lực lượng chức năng giải tán. Hiện tại, các tài xế vẫn tiếp tục đình công, có nhóm vẫn cắm chốt tại văn phòng Grab để chờ câu trả lời, một số nhóm vẫn đang tập trung tại các phố trung tâm Hà Nội...
Cuối ngày 7/12, Grab vẫn không bình luận về việc tài xế đình công.
Anh Mạnh, một tài xế đã chạy GrabBike 3 năm chia sẻ, với chuyến xe 7,5 km cước 75.000 đồng, sau khi trừ phí sử dụng ứng dụng và thuế gần 21.000 đồng, anh chỉ nhận về khoảng 53.000 đồng.
Tuy nhiên, anh cho biết nếu tính cả chi phí xăng, điện thoại, sửa chữa bảo dưỡng xe... thì chỉ thực nhận về khoảng 40.000 đồng. Còn các cuốc ngắn khoảng 2-3 km, tài xế có thể chỉ thu về được bằng 50% giá chuyến xe. Vì vậy, anh cũng như nhiều tài xế khác đang rất muốn Grab tính toán giảm tỷ lệ khấu trừ để đảm bảo thu nhập tài xế như trước đây.
Anh Sơn, chạy GrabBike từ năm 2019 cho biết mỗi tháng gửi về cho vợ, con tại Thanh Hóa bình quân 6-7 triệu sau khi đã trừ tiền ăn uống, sinh hoạt phí... Để đạt được mức này, mỗi ngày anh phải chạy xe khoảng 15-16 tiếng. "Tôi đang rất lo thời gian tới không đủ lo cho gia đình, không sống được bằng nghề này khi mức khấu trừ tăng đến hơn 27%. Tôi ủng hộ việc nộp thuế nhưng mong muốn Grab có sự chia sẻ cùng anh em lái xe đã rất vất vả hoặc giảm phí sử dụng ứng dụng", anh Sơn nói.
Cách đây hai ngày, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Còn hiện tại, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,2%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với VAT. Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 có hiệu lực - thay đổi cách tính VAT với dịch vụ gọi xe công nghệ.
Grab phải kê khai và nộp 10% VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% VAT trên phần chiết khấu thu về như trước.
Để bù phí VAT, Grab đã tăng giá cước một số dịch vụ nhưng các tài xế đánh giá mức tăng này vẫn chưa đủ bù cho khoản thu nhập thực bị giảm của họ. Một số còn lo ngại, nếu Grab tiếp tục tăng cước để bù VAT sẽ khiến khách hàng quay sang sử dụng ứng dụng khác, khiến thu nhập của họ giảm thêm.
Giải thích về việc tăng cước phí bù VAT, Grab cho biết đã chịu một phần số VAT để chia sẻ cùng người tiêu dùng và đối tác tài xế. Công ty cũng tin rằng mức cước này "vẫn đủ cạnh tranh" còn tài xế có thể giảm thu nhập khoảng 7% một năm nếu hãng không điều chỉnh tăng cước phí cơ bản. Với mức cước phí mới (đã tăng 5-6%), Grab tính toán, tài xế chỉ giảm thu nhập khoảng 1% một năm.
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 7/12, đại diện Grab cho biết, trước và ngay sau khi Nghị định 126 được ban hành đã tích cực chủ động góp ý trình bày cụ thể về tác động tới cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.
"Grab cũng khẳng định luôn trân trọng và lắng nghe các phản hồi từ người dùng và đối tác. Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan" đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Anh Tú