Chiều 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 9, cho ý kiến về đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Sau khi thảo luận, các thành viên đã biểu quyết thông qua nghị quyết, với mức giảm thuế như Chính phủ trình.
Mặt hàng | Thuế hiện hành | Thuế giảm từ 1/4 đến hết năm 2022 |
Xăng (trừ ethanol) | 4.000 | 2.000 |
Nhiên liệu bay | 1.500 | 1.500 |
Dầu diesel, madut, dầu nhờn | 2.000 | 1.000 |
Dầu hoả | 1.000 | 300 |
Mỡ nhờn | 2.000 | 1.000 |
Đơn vị: VND
Thuế này bắt đầu giảm từ 1/4/2022 đến 31/12/2022. Sau ngày này, thuế sẽ quay về mức đang áp dụng, là 3.800-4.000 đồng với xăng, 2.000 đồng một lít với dầu.
Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án tính toán tăng thu lĩnh vực khác, để chống thất thu ngân sách khi giảm loại thuế này.
Trước đó, trong quá trình thảo luận về đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, chỉ nêu "mức tối đa giảm thuế theo đề xuất của Chính phủ" trong nghị quyết. Còn lại, uỷ quyền cho Thủ tướng linh hoạt quyết định mức thuế tùy thời điểm.
Việc này tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành giá xăng dầu theo thị trường thế giới và mỗi lần điều chỉnh thuế này sẽ không phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông, dù không quy định cứng, uỷ quyền cho Thủ tướng linh hoạt quyết định mức giảm thuế này cũng "không sai về thẩm quyền".
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cũng đồng tình và cho rằng cách này sẽ tạo điều kiện để giá xăng dầu bám sát với giá thị trường thế giới. Ông phân tích, Thường vụ Quốc hội cho giảm tối đa 2.000 đồng một lít, tháng này Chính phủ có thể giảm 1.000 đồng, tháng sau 1.500 đồng rồi sau nữa 2.000 đồng... Các mức giảm căn cứ vào biến động giá thế giới mà hiện nay không thể đoán trước được.
Nhưng giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (người thay mặt Chính phủ đọc tờ trình và tham gia tại phiên họp) đề nghị vẫn quy định "cứng" vào nghị quyết để "dễ thực hiện" hơn.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế này thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Sau hội ý, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất nghị quyết vẫn ghi mức giảm "cứng" 2.000 đồng như đề xuất của Chính phủ.
Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan thẩm tra của Chính phủ nêu đề nghị về điều hành mặt hàng này. Chính phủ nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) với xăng, và coi đây như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô thế giới biến động. Mức giảm thuế này sẽ được tính toán trên cơ sở đánh giá tình hình nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Singapore... và biến động giá thế giới.
Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, kiểm tra và có biện pháp xử lý để giảm áp lực nguồn cung trên thị trường. Việc này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định với lượng xăng dầu dự trữ thương mại của doanh nghiệp.
Việc giảm chu kỳ điều hành giá cũng là một phương án được Uỷ ban Tài chính Ngân sách đưa ra, nhằm để giá trong nước sát hơn với diễn biến thế giới.
Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ bằng hiện vật (xăng dầu). Để đa dạng hóa các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Giá xăng dầu vừa qua biến động mạnh với 6 lần tăng liên tiếp và một lần giảm giá từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 3, giá xăng bán lẻ trong nước đã lên mức cao nhất lịch sử, sát 30.000 đồng một lít. Tuy nhiên, tới ngày 21/3 thì giảm nhẹ, hiện ở mức 29.190 đồng mỗi lít xăng RON95, 28.330 đồng một lít E5 RON92...