Chốt phiên 16/3, mỗi ounce vàng mất hơn 20 USD về 1.509 USD. Đầu phiên Mỹ, có thời điểm giá giảm tới gần 80 USD, về dưới 1.450 USD một ounce – thấp nhất 3 tháng. Thị trường sau đó hồi phục phần nào, sáng nay giao dịch quanh 1.507 USD.
Kim loại quý đi xuống do nhà đầu tư bán mọi loại tài sản có thể, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Một số thì cần tiền để nộp ký quỹ cho các tài sản khác.
Nhà đầu tư hoảng loạn bất chấp việc các ngân hàng trung ương, từ Mỹ, Nhật Bản đến Australia, New Zealand thông báo nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. "Đà bán tháo sẽ vẫn tiếp diễn. Tình cảnh tương tự như trong khủng hoảng tài chính – vàng cũng giảm giá suốt nhiều tháng cùng cổ phiếu", Ryan McKay – chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities nhận định.
Giá vàng hôm qua đã xuống dưới mốc trung bình trượt 200 ngày. Đây là tín hiệu về xu hướng xuống.
Trên thị trường vật chất, hoạt động giao dịch tại các trung tâm vàng lớn ở châu Á tuần trước, đặc biệt là Trung Quốc, đi xuống do dịch bệnh. Dự trữ tại quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust tiếp tục giảm phiên thứ sáu.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, chứng khoán Mỹ và dầu thô hôm qua cũng lao dốc. Các chỉ số chính tại Wall Street có phiên tệ nhất kể từ năm 1987, với mức giảm trên 12%.
Dầu thô Brent chốt phiên mất 11,2% về 30,05 USD một thùng. Có thời điểm, giá này về 29,52 USD – thấp nhất 4 năm. Dầu thô Mỹ WTI mất 9,6% về 28,7 USD.
Hiện tại, giá dầu đã tăng trở lại. Mức tăng của Brent và WTI lần lượt là 0,8% và 2,4%.
Dầu thô gần đây lao dốc do Nga và OPEC không thể thống nhất gia hạn thỏa thuận giảm sản xuất để cứu thị trường. IHS Markit ước tính dư cung năm nay sẽ lên 800 triệu đến 1,3 tỷ thùng. Nhu cầu tiêu thụ dầu hiện cũng đi xuống do tác động của đại dịch.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)