Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/3, các chỉ số chủ chốt của Wall Street mất hơn 7%, khiến thị trường ngừng giao dịch 15 phút. DJIA giảm tới hơn 2.250 điểm, tương đương 9,7%. S&P 500 giảm 8%, còn Nasdaq Composite mất 6,1%.
Đây là lần thứ 3 trong 6 phiên gần đây chứng khoán Mỹ phải ngừng giao dịch. Tại Mỹ, khi mức giảm của các chỉ số chạm 7%, hệ thống sẽ kích hoạt cơ chế ngắt mạch cấp độ 1. Hai cấp độ kế tiếp được thiết lập ở mốc 13% và 20%. Ở cấp độ 2, thời gian dừng giao dịch vẫn là 15 phút. Nhưng nếu chạm ngưỡng cấp độ 3, chứng khoán Mỹ sẽ dừng cả phiên.
Sau khi khôi phục giao dịch, DJIA tiếp tục giảm sâu, với 11,7%. Hiện tại, mức giảm này thu hẹp về 10,26%. S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 8,1% và 9,1%.
Nhà đầu tư lo ngại động thái hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 15/3 là dấu hiệu suy thoái đang đến gần. Đại dịch đang làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu và bóp nghẹt tài chính các công ty. Các số liệu công bố sáng nay cũng cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong hai tháng đầu năm.
Chứng khoán châu Á và châu Âu hôm nay cũng sụt giảm vì Fed. Chốt phiên 16/3, chỉ số tại các thị trường lớn giảm phổ biến 2% - 4%. Riêng Australia mất tới gần 10%. Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 (Anh) hiện giảm 7,1%, CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) mất 9,1% và 8,1%.
Giá vàng thế giới cũng đang lao dốc. Hiện mỗi ounce chỉ còn 1.450 USD một ounce, giảm gần 80 USD so với đóng cửa phiên hôm qua. Mức giá hiện tại cũng là thấp nhất kể từ tháng 12/2019.
Tính từ khi chạm đỉnh 1.700 USD đầu tuần trước, kim loại quý đã mất hơn 200 USD. Giá giảm do nhà đầu tư bán bớt để nộp tiền ký quỹ cho các tài sản khác cũng đang lao dốc. Tuần trước, vàng mất 8,6% - mạnh nhất kể từ năm 1983.
"Chúng ta đang ở trong tình cảnh mà mọi người đổ xô bán mọi thứ có thể", Carlo Alberto De Casa - nhà phân tích tại ActivTrades kết luận.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)