Ngày 8/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết 23.252 đồng, giảm 10 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/- 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 22.554-23.950 đồng.
Lúc 12h sáng nay, các nhà băng cũng đồng loạt giảm giá mua bán USD. Cụ thể, mỗi đôla Mỹ được BIDV yết giá rẻ hơn 30 đồng so với cuối tuần trước, ở mức 23.240-23.420 đồng.
Tại Vietcombank, nhà băng này giảm 20 đồng về 23.220-23.430 đồng một USD. Sacombank cũng hạ 13 đồng, mua vào là 23.234 và bán ra 23.444 đồng một USD.
Trước đó, phiên cuối tuần, mỗi USD đã mất 40 đồng. Như vậy, trong vòng 3 ngày trở lại đây, mỗi USD giảm gần 80 đồng. Còn nếu so với đầu tháng tư, mỗi USD hiện giảm gần 250 đồng.
Cùng với sự đi xuống của giá USD trong ngân hàng, thị trường tự do cũng hạ nhiệt. Cuối giờ trưa nay, mỗi USD được các điểm thu đổi công bố 23.335-23.340 đồng, giảm mạnh 95 đồng so với cuối tuần trước.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, diễn biến tỷ giá phụ thuộc rất nhiều vào cung cầu trên thị trường. Theo ông, mấy ngày qua lực cầu thấp nên giá giảm nhanh.
Ngoài ra, tỷ giá giảm thời gian gần đây còn do tác động tâm lý đến từ thị trường quốc tế. Đồng USD vẫn tiếp tục duy trì giá ở mức thấp trên thị trường thế giới.
Theo đó, chỉ số USD - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh lúc 12h (giờ Việt Nam) là 99,7 điểm, giảm nhẹ trong vài ngày gần đây.
Riêng với vàng, giá SJC hiện không biến động nhiều. Cuối giờ trưa nay, mỗi lượng vàng miếng được Tập đoàn vàng DOJI niêm yết 47,78 - 48,10 triệu đồng, giảm 100.000 đồng chiều bán, nhưng tăng 30.000 đồng chiều mua so với phiên cuối tuần.
Trong khi giá vàng thế giới phiên giao dịch châu Á sáng nay không có nhiều thay đổi, đang duy trì trên mức 1.700 USD một ounce. Quy ra tiền Việt, mỗi lượng tương đương 48,07 triệu đồng.
Quỳnh Trang