Trao đổi với báo chí về những phản ánh của người dân sau khi tăng giá điện, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch EVN khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng của khách hàng cho Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Việc này nhằm đánh giá tác động gián tiếp về ảnh hưởng sau đợt tăng giá điện, gồm so sánh điện năng tiêu thụ từng tháng với cùng kỳ năm trước và trước khi tăng giá điện.
"Dựa trên số liệu lượng điện tiêu thụ các khách hàng theo các bậc thang, kinh nghiệm các nước, EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt, lấy ý kiến rộng rãi để trình Thủ tướng xem xét quyết định", ông Thành thông tin. EVN cho biết sẽ hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử từ xa tại Hà Nội và TP HCM trong năm sau.
Sau khi giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3, nhiều hộ gia đình phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến, thậm chí gấp đôi, ba lần thông thường. Thủ tướng sau đó đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các bộ thanh tra việc tăng giá, phương pháp tính và thu tiền của các hộ dùng điện.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho hay, nếu tính đầy đủ, giá bán lẻ điện bình quân có thể phải tăng 9,26% thay vì mức tăng 8,36% như vừa qua. Lý do là mức tăng này chưa tính toán khoản 3.260 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018.
Đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường điện nhằm vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021 được ngành Công Thương và EVN xem như giải pháp dài hạn cho bài toán giá điện hiện nay. Ông Dương Quang Thành cho biết, EVN đang xây dựng đề án thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và sẽ trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 7.
Để đẩy nhanh tiến độ, EVN cho hay sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng thị trường điện, hoàn thành dự thảo các quy định pháp lý trình Bộ Công Thương ban hành và tách các đơn vị bán lẻ để cổ phần hoá theo lộ trình.
Để thực hiện thị trường điện bán lẻ từ 2021, theo quyết định của Thủ tướng, EVN cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện, chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) hạch toán độc lập và cổ phần hoá khâu dịch vụ bán lẻ. Sau 2 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, EVN sẽ lập phương án thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty này, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Tổng công ty Phát điện 3 đã cổ phần hoá xong, còn kế hoạch cổ phần hoá Tổng công ty Phát điện 2 đã được duyệt, và kế hoạch của tổng công ty Phát điện 1 đang trình Thủ tướng. Tất cả sẽ hoàn thành trong năm sau", ông Thành nói.
Còn đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV đã trình Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018 xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt.
"EVN sẽ hoàn thành đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong năm 2019 và tất cả công tác tái cơ cấu trên đây đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh", ông Thành nhấn mạnh.
Anh Minh