Tại phiên thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 16/10, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, một trong những điểm mới của dự luật lần này là bổ sung quy định về hộ kinh doanh. "Hộ kinh doanh sẽ được công nhận là hình thức kinh doanh như các doanh nghiệp, có địa vị pháp lý, được quyền mở văn phòng đại diện...", ông Dũng nói.
Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến từ các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ quy định này bởi điều này có thể tác động tới gần 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc bổ sung hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp là không hợp lý. Ông Phúc cho rằng, nếu lên doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có bộ máy, có người làm kế toán và cả việc "thường xuyên phải bị thanh tra kiểm tra". Trong khi đó, họ lại rất ít người, mô hình gọn nhẹ, chủ yếu khai thác lợi thế gia đình. "Đưa vào luật, người ta không thích vào. Không hiểu luật ra đời thì sự tồn tại, phát triển thế nào. Cần đánh giá kỹ, đừng vội", ông nhấn mạnh.
Cùng băn khoăn này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói, phải hết sức cân nhắc, vì nếu đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào luật sẽ gây "tâm lý hoang mang, rất nguy hiểm".
Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, người dân có quyền lựa chọn, không được "ép" họ chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Theo ông Lưu, mục tiêu của ban soạn thảo có thể là đưa vào để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh doanh. "Nhưng liệu đưa vào có giải quyết được vấn đề mong muốn không, hay lại gây khó khăn cản trở?", ông nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, có thể làm luật riêng về hộ kinh doanh, hoặc ban hành nghị định quy định đầy đủ loại hình này, không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp.
Cho rằng đây là chính sách lớn nhưng lại chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tinh thần "không nên đặt ra những vấn đề chưa đánh giá kỹ lưỡng". Bà Ngân lưu ý, khi sửa luật phải tương thích với các quy định hiện hành.
Thẩm định trước đó dự thảo luật này, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, phần lớn các thành viên Uỷ ban đồng tình việc đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
"Hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng", ông Thanh nêu.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, trên thế giới chỉ 2 nước còn quy định về hộ kinh doanh là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định nghĩa vụ pháp lý, chính sách hỗ trợ... cho đối tượng này trong mối tương thích với các luật hiện hành.
Một đề xuất khác trong dự thảo luật cũng nhận được nhiều ý kiến tại phiên họp là bỏ con dấu trong doanh nghiệp. Cụ thể, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44) và báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12).
Góp ý kiến, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, đề xuất bỏ con dấu trong doanh nghiệp được Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ từ lần sửa đổi luật trước đây, nhưng khi đưa ra Quốc hội thì không được chấp thuận. Theo ông Giàu, truyền thống lâu nay "đã ký là phải ấn, giờ ký mà không có ấn thì phải cân nhắc".
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cân nhắc bởi bộ luật Hình sự hiện nay đang quy định về tội danh làm giả con dấu. Theo bà, việc chỉ cần một chữ ký mà không có con dấu thì khó đảm bảo độ an toàn, sự tin cậy với những giao ước, hợp đồng kinh tế và có thể phát sinh thủ tục phức tạp hơn nếu xảy ra tranh chấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nếu bỏ con dấu doanh nghiệp, có thể giảm bớt thủ tục hành chính, song cần đánh giá thận trọng trong điều kiện thực tế môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay.
"Tôi biết trên thế giới hiện nay cũng có nhiều hoạt động và người ta không sử dụng con dấu, nhưng điều kiện người ta khác, chúng ta khác. Việt Nam muốn làm, phải đánh giá tác động kỹ càng", bà nhấn mạnh.
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 66 điều, bỏ 2 điều và bổ sung 1 chương 8 điều về hộ kinh doanh. Dự kiến Quốc hội cho ý kiến, thảo luận về dự luật này tại kỳ họp thứ 10, khai mạc ngày 21/10 tới.
Anh Minh