Tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 30/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 80 tỷ USD là mức cao nhất của dự trữ ngoại hối trong nhiều năm qua.
Theo đánh giá của SSI Research, trừ 2 tháng 5 và 6 tỷ giá bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại, tỳ giá mua vào của các ngân hàng thương mại trong năm luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào USD của Ngân hàng Nhà nước là 23.200 đồng. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục tương đương khoảng 14 tuần nhập khẩu và các ngân hàng thương mại cũng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Theo nhóm phân tích, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng nới rộng, dòng kiều hối và ngoại tệ từ các giao dịch hợp tác kinh doanh, bán vốn vẫn tích cực sẽ hỗ trợ neo giữ tỷ giá trong thời gian tới.
So với cuối năm 2016, quy mô dự trữ ngoại hối hiện nay đã gấp hơn hai lần. Theo giới phân tích, kết quả này xuất phát từ trạng thái thặng dư thương mại liên tục tăng trong những năm gần đây và lượng kiều hối của Việt Nam đứng trong top đầu thế giới.
Ba năm gần nhất, thặng dư thương mại liên tục tăng và đạt tổng gần 20 tỷ USD. Riêng trong năm 2019, chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu đạt mức kỷ lục gần 10 tỷ USD. Trong khi đó, theo dự báo của World Bank, lượng kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng nhẹ 4,6% so với năm trước.
Theo đó, năm nay có thể là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Gần đây nhất, các năm 2017, 2018, Việt Nam ở danh sách này với lượng kiều hối đổ về lần lượt là 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD.
Nguyễn Hoài - Minh Sơn