Việt Nam vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Quý Mão (từ 29 đến mùng 5 Tết) với khoảng 9 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Du lịch.
Trước đó, sau khi mở cửa hoàn toàn vào tháng 3/2022, du lịch nội địa Việt Nam năm ngoái phục hồi với trên 100 triệu lượt khách so với mục tiêu 60 triệu. Khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt, chủ yếu từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).
Sản lượng khách quốc tế - vốn từng chiếm 60% doanh thu ngành - năm 2022 chỉ mới bằng 20% của năm 2019 nhưng đang có nhiều triển vọng. Cơ hội hàng đầu là Trung Quốc - nguồn khách lớn nhất trước dịch - bắt đầu mở cửa trở lại. Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC nhận định, quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động đối với nền kinh tế sẽ lớn.
Năm 2023, chính phủ đặt mục tiêu 102 triệu lượt khách du nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức của năm 2019. Trong khi đó, tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào 2019.
Tháng khởi động đầu năm tương đối khả quan. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế tháng trước ước đạt 871.200 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022 và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm ngoái, do các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế đẩy mạnh khi Covid-19 được kiểm soát.
Nhưng du lịch Việt Nam trước mắt cần vượt qua thách thức về chính sách của Trung Quốc. Từ ngày 6/2, các công ty lữ hành Trung Quốc đã được phép tổ chức tour tới 20 quốc gia trên thế giới nhưng trong đó không có Việt Nam. Điều này có thể khiến ngành du lịch chưa thể đón làn sóng quay lại của thị trường lớn nhất này ngay lập tức. Do vậy, tốc độ hồi sinh của ngành phần nào bị trì hoãn.
Tuy nhiên, nếu tính cả năm, HSBC cho rằng du lịch Việt Nam khả năng sẽ là ngành "then chốt" cho nền kinh tế. "Bất chấp những khó khăn thương mại trong ngắn hạn, du lịch đã nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm 2023", báo cáo nhận định.
Sự phục hồi của ngành du lịch sẽ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế nhưng mức độ thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Có thể xét thị trường lao động và dịch vụ làm ví dụ.
Đầu tiên, thị trường lao động phi chính thức vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình du lịch sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi du lịch toàn cầu bình thường hóa thêm nữa. Nói cách khác, bên cạnh lao động chính thức, các lao động phi chính thức trong những ngành liên quan đến du lịch sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Nhưng mặt khác, lao động trong các lĩnh vực khác gắn liền với sản xuất tiếp tục trải qua áp lực, cơ hội việc làm chưa cải thiện đáng kể. Điều này có nghĩa khả năng chi tiêu cho du lịch sẽ bị giới hạn, ảnh hưởng đến doanh thu du lịch nội địa. Trước đây, chi tiêu trong nước chiếm khoảng 40% doanh thu du lịch. Do đó, điều quan trọng là phải xem tỷ lệ này được duy trì đến đâu năm nay.
Tết vừa qua là ví dụ. Dù khách nội địa du xuân tăng gần 50% nhưng doanh thu lại giảm 30% so với cùng kỳ. Một trong những lý do được các chuyên gia chỉ ra là người dân thắt chặt chi tiêu, bên cạnh những nguyên nhân như thay đổi xu hướng du lịch, khả năng thống kê thiếu đầy đủ.
Hay như mảng dịch vụ vận tải hàng không và F&B sẽ nhận được mức độ lan tỏa khác nhau. Theo dự báo của nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI, ngành du lịch sẽ phục hồi từ quý II năm nay nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp ngành hàng không tiến tới phục hồi hoàn toàn.
Với Việt Nam, khách quốc tế Trung Quốc chiếm 32% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2019. Trung Quốc là điểm đến du lịch sôi động nhất với người Việt Nam. Vì vậy, SSI ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong quý sau, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023.
Dù thấp hơn so với khách châu Âu và Mỹ, khách Trung Quốc trung bình vẫn chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết du khách châu Á. Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận cú hích từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc.
Dù vậy, du lịch phục hồi nói chung và sự trở lại của khách Trung Quốc nói riêng vẫn có thể sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn tình trạng trì trệ của tiêu dùng nội địa trong ngành F&B. "Tăng trưởng các công ty F&B trong năm sẽ không cao khi xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn", SSI dự báo.
Ngành du lịch cũng cần nhiều cải thiện để thực sự là một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Thị trường này có nhiều điểm đến được đánh giá cao trên các bảng xếp hạng, như gần đây, Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong top 10 nơi thân thiện với du khách thế giới tại giải Traveller Review Awards 2023 của Booking.
Hay như mức độ phát triển các cơ sở vật chất đang cải thiện. Nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng, với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12% mỗi năm trước đại dịch, theo Tổng cục Du lịch. Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam.
Ví dụ, La Festa Phú Quốc, Curio Collection by Hilton dự kiến sẽ khai trương vào giữa năm 2023 và Marriott International cũng dự kiến bổ sung 9.000 phòng vào mức hiện tại là 3.300 phòng.
Tuy nhiên, ở mặt hạn chế, theo nhiều chuyên gia việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam so với các quốc gia khác. Hiện Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn nào, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày.
Tình hình này có thể sẽ thay đổi. Giới chức đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một cách khác là đa dạng hóa các sản phẩm. Du lịch thể thao, một phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao.
Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf. HSBC cho rằng đây là cơ hội tốt khi mà số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán có thể tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025.
Cùng với các phân khúc khác đã được khoanh vùng như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của du khách. "Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực", HSBC đánh giá.
Viễn Thông