Sau nhiều tháng dừng vì dịch và giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, doanh nghiệp vận tải Sao Việt vừa mở lại tuyến liên tỉnh Hà Nội - Lào Cai với số xe khai thác chỉ mới đạt 20% trước đây. Nhưng việc giá xăng, dầu tăng mạnh đang khiến họ thêm khó khăn.
Đà tăng giá xăng, dầu trong nước bắt đầu từ cuối tháng 5. Từ mức 18.420 đồng một lít hồi cuối tháng 5, giá xăng E5 RON 92 hiện đứng ở ngưỡng 23.110 đồng, tức tăng hơn 4.600 đồng một lít. Tương tự, mỗi lít xăng RON 95 hiện cũng đắt thêm gần 5.000 đồng so với cách đây 5 tháng lên mức 24.330 đồng một lít, mức cao nhất từ tháng 9/2014.
"Chúng tôi mới mở lại được 20% các tuyến, nhiều chuyến xe gần như chạy không có khách mà giá xăng, dầu cao như vậy không biết xoay xở thế nào", ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) nói với VnExpress.
Vị này cho biết vẫn bỏ tiền đổ xăng, bù lỗ cho mỗi chuyến nhưng nếu kéo dài sẽ không trụ được. Nhu cầu đi lại chưa cao, các hãng xe đều cạnh tranh để có khách, nên theo ông Bằng, "tăng giá ngay là chưa thể". Nhưng ông thừa nhận, áp lực tăng giá vé vận tải đang đè nặng nếu giá xăng, dầu tới đây tăng tiếp.
Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta ước tính xăng dầu chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. "Doanh nghiệp đang loay hoay tiết giảm mọi chi phí khác để tồn tại, xoay xở bù lỗ cho chi phí nhiên liệu", ông Nghĩa nói.
Vị này cũng cho rằng giá xăng dầu trong nước đi lên cùng đà tăng giá thế giới nhưng với biến động 40-50% vừa qua thì như "cú bồi" giáng cho các doanh nghiệp chứ không riêng ngành vận tải. Giá nhiên liệu tăng ngay lập tức nhưng giá cước vận tải không phải "muốn là tăng ngay được" vì không dễ gì khách hàng chấp thuận thay đổi giá với các hợp đồng đã ký. Chưa kể, đơn hàng lẻ, doanh nghiệp vận tải sẽ khó nhận vì phải chịu lỗ quá nhiều.
Với các doanh nghiệp vận tải, ông Nghĩa ước tính mức giá cước vận tải phải tăng tối thiểu 5-10% mới bù được giá chi phí nhiên liệu đầu vào.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng bày tỏ lo lắng, giá xăng dầu tăng cao tác động mạnh tới chi phí vận hành.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát tại TP HCM cho biết đợt nhập nguyên vật liệu sản xuất mới nhất doanh nghiệp được đối tác báo giá tăng 10%, thậm chí có loại tăng 30% với lý do giá nhiên liệu đầu vào tăng. "Áp lực tăng giá thành sản phẩm đầu ra với chúng tôi đang rất lớn nếu đợt nhập hàng sản xuất tiếp theo đối tác vẫn tăng giá", ông chia sẻ.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, họ đang phải đau đầu xoay tiền bù cho số âm quỹ vì "càng bán càng lỗ". Doanh nghiệp lớn còn nguồn tiền có thể trích ra để bù cho số âm của quỹ bình ổn, nhưng với doanh nghiệp nhỏ hơn buộc phải quay qua vay ngân hàng với lãi suất 7-8% một năm.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn dương quỹ bình ổn nhưng một số thậm chí ghi nhận mức âm quỹ hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, Petrolimex âm quỹ bình ổn xăng dầu 262 tỷ đồng; PVOil âm hơn 697 tỷ đồng (đến trước ngày 11/10); Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An âm gần 90 tỷ đồng (đến cuối tháng 8); Công ty TNHH Petro Bình Minh âm hơn 71 tỷ đồng (đến cuối tháng 8)...
Khi công cụ điều hành để giữ giá bán lẻ xăng dầu trong nước là quỹ bình ổn đang "cạn" và khả năng âm, theo ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, có thể tính đến công cụ là quản lý là thuế, phí. Ông nhắc tới việc xem xét giảm thuế nhập khẩu, hoặc thuế về môi trường ở mức hợp lý hơn.
Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng, tuỳ loại. Đáng kể nhất là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, dầu diesel 2.000 đồng...
"Nhiều ngành đã chịu tác động rất lớn do dịch bệnh, giờ chịu thêm tác động kép của giá xăng dầu như giao thông vận tải, du lịch... thì cần phải ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế", ông Cường nêu.
Đồng tình với việc này, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nói thêm, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp. Để tạo dư địa cho phát triển, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, chính sách có thể tính đến là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản phí.
Nhưng ông lưu ý việc giảm thuế, phí này cần bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường. "Điều hành cần phải tổng thể giải pháp, không phải tăng gì thì lao vào giảm đó, mà phải có nhiều cung cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế, nên cần phải vận dụng hài hòa từng điều kiện và bối cảnh", ông nêu.
Tuy vậy, dư địa để giảm thuế, phí vẫn còn, nhất là thuế bảo vệ môi trường trong ngắn hạn với xăng E5 RON 92. Việc Nhà nước điều chỉnh giảm thuế phí xăng dầu, theo các chuyên gia, cũng để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp bớt được chi phí, sẽ bớt được áp lực tăng giá, lạm phát.
Nguyễn Hoài