Hiện tượng doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài sở hữu vốn mỏng vẫn "tay không bắt giặc", được hưởng nhiều ưu đãi... được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng phản ánh tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Bộ Tài chính, ngày 28/2.
Theo bà, rà soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu, thì 100% số doanh nghiệp này đều là FDI, cá biệt có doanh nghiệp có tỷ lệ gấp hàng trăm lần. Trong khi đó, xem xét các hạng mục khác của cán cân thanh toán, bà Hồng cho biết, cổ tức chi cho các FDI ở Việt Nam rất lớn, khoảng 10 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước làm việc với Tổng cục thống kê để làm rõ hơn các số liệu liên quan.
Báo cáo của Bộ Tài chính, doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp cả nước, khoảng 21.400 đơn vị. Khu vực này luôn duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn 2011-2017 và đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu (trên 70%), thu ngân sách (15%).
Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá, số doanh nghiệp báo lỗ, mất vốn qua các năm tăng cao. Hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong 3 năm qua, dẫn đến tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.
Ngay tốc độ tăng 7% về số nộp ngân sách của khối FDI thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22%). Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân là doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn về các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt vấn đề, 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động với tốc độ cao. "Hiện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không? Chẳng hạn, Samsung nói đã đầu tư 15 tỷ USD thì ta tính thế nào cho đúng 15 tỷ USD, trong khi đó họ cứ khấu hao tài sản thôi?", ông Dũng nêu.
Trưởng ngành tài chính cũng chỉ ra hiện tượng ở miền Trung, có khu kinh tế được đầu tư hạ tầng đồng bộ sân bay, cảng biển, đường cao tốc giúp vùng này không còn khó khăn như trước. Thế nhưng doanh nghiệp đầu tư vào vẫn được hưởng khung chính sách cũ, ưu đãi hơn cả đầu tư ở Hà Nội. Do đó, Bộ trưởng Tài chính đặt vấn đề khó có thể thu hút được doanh nghiệp FDI đầu tư vào các vùng khó khăn khác như Tây Nguyên, phía Bắc,...
"Chính sách ưu đãi thuế hiện nay quá phức tạp, vừa ưu đãi ngành nghề, vừa ưu đãi theo lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư, khu công nghiệp, sản phẩm, quy mô dự án, số lượng lao động nữ... cũng phải đánh giá lại nghiêm túc hơn", ông Dũng nói thêm.
Lắng nghe quan điểm của các bộ, ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi sử dụng đất cần xác định qua các thời kỳ khác nhau, không thể áp dụng như cũ.
Phó thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích họ tăng vốn chủ, giảm vốn vay khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá.
Mặt khác, Việt Nam cần xây dựng hệ thống chuyên biệt trong thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí.... Cơ chế ưu đãi cho khối ngoại cũng cần linh hoạt hơn, kể cả biện pháp phi tài chính, để thu hút các dự án lớn quan trọng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính.
Sau buổi làm việc này, Đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sẽ được ban soạn thảo hoàn thiện, lấy ý kiến Ban cán sự Đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị vào tháng 4 tới.
Anh Minh