Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến với 3 phương án về khung giờ cấm bán sản phẩm này. Cụ thể, phương án 1 là chỉ được bán trong khung giờ 11-14h và 17-22h; phương án 2 là chỉ bán từ 6-22h hằng ngày. Khung giờ cấm này không áp dụng với tuyến phố kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 3 theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Quy định như trên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sẽ tạo ra hiệu ứng phụ, khiến người uống bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn.
"Một số nước có ban hành quy định này nhưng thực ra không có nhiều ý nghĩa. Cấm có thể sẽ hạn chế được sản phẩm đủ nhãn mác, nhưng lại không kiểm soát được thị trường không nhãn mác", ông nói tại một hội thảo góp ý về dự thảo Luật do VCCI tổ chức ngày 18/4.
Trưởng ban Pháp chế VCCI đề nghị cần xem lại tính khả thi, tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì bị thiệt, cơ sở nhỏ, lẻ không những trốn thuế, không thực hiện bất cứ hoạt động gì lại có lợi.
Ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Heineken Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất giờ cấm càng thúc đẩy thị trường bia, rượu bất hợp pháp có "đất" phát triển. Hơn nữa, cơ chế xác định đâu là địa điểm ẩm thực, du lịch..., theo ông, cũng thiếu rõ ràng.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico thì cho rằng, việc bán rượu bia theo giờ không khả thi. Theo ông, không nên giữ quan điểm quản lý không được thì cấm. "Hơn nữa, ai sẽ kiểm soát việc này? Hiện việc cấm bán rượu đã được quy định trước đây với hình thức phạt khá nặng, song thực thi là câu chuyện nan giải. Vì thế cấm cũng chẳng thể được", ông Đức nói.
Theo dự thảo luật, doanh nghiệp đồ uống sẽ bị cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo. Sản phẩm này cũng bị cấm quảng cáo trên trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử (trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia). Quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Vị luật sự này còn cho rằng, mục đích của luật này nên hướng đến khuyến cáo người dân sử dụng khoa học, chứ không nên mang tính áp đặt. Việc đưa ra khung giờ cấm không mấy tác dụng trong hạn chế sử dụng mặt hàng này. Ngược lại, người uống sẽ tìm tới những loại bia, rượu không đạt chất lượng.
Cũng không đồng tình việc đưa ra khung giờ cấm bán rượu, bia, ông Đỗ Văn Vẻ - nguyên Đại biểu Quốc hội khoá 13 lo ngại, đưa ra nhiều quy định nhưng thiếu sự kiểm soát sẽ khiến luật khi được ban hành "trở nên nhàm".
"Ai sẽ là người kiểm soát nếu cấm, chúng ta có kiểm soát được hay không?", ông Vẻ đặt loạt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh, dùng nhiều chế tài, tưởng chừng mạnh, nhưng cũng không mang tính răn đe cao.
Cũng tại hội thảo này, nhiều ý kiến nêu lo ngại về quy định cấm doanh nghiệp đồ uống được tổ chức, tài trợ các sự kiện văn hoá nghệ thuật, thể thao...
Ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho rằng, cấm như vậy có thể sẽ khiến những chương trình nghệ thuật lớn mang lại trải nghiệm thú vị như đường đua F1 hay Countdown vốn được tổ chức đều đặn những năm qua phải "nói lời từ biệt".
"Tôi cho rằng mục tiêu quản lý nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện được bằng những quy chế tự quản", ông Matt Wilson nói và dẫn chứng ra tỷ lệ 40% thị trường lớn trên thế giới đã áp dụng tự quản thành công vì họ tin vào hoạt động mạnh mẽ của nền quảng cáo cũng như lợi ích kinh tế lớn của ngành này mang lại.
Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng cấm như vậy là cứng nhắc. Theo ông, người tiêu dùng có quyền tiếp nhận thông tin về sản phẩm từ nhà sản xuất chân chính. Thay vì cấm, ông Tuấn cho rằng, nên điều chỉnh hành vi lạm dụng, quảng cáo sai sự thật ảnh hưởng tới hành vi người dùng. "Nếu cấm hoàn toàn sẽ lợi bất cập hại", ông lo ngại.
Trong khi đó, việc đưa ra điều khoản quy định cấm quảng cáo, theo ông Trần Quang Chiểu - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội đang "vênh" với quy định tại Luật Quảng cáo, khi tại luật này hành vi cấm không bị điều chỉnh.
"Dự luật đưa ra cấm quảng cáo tính năng của sản phẩm thì có vi phạm hay không, cần làm rõ. Hơn nữa luật chuyên ngành đã điều chỉnh, có nhất thiết quy định tại luật chi tiết hay không. Không cân nhắc kỹ sẽ khiến doanh nghiệp "ngợp" giữa ma trận, không biết phải tuân theo quy định nào?", ông Chiểu nói.
Anh Minh