Đại sứ Nhật: 'Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố hầm Thủ Thiêm'
Trong buổi trả lời phỏng vấn VnExpress.net cuối tuần qua, ít ngày sau sự kiện Nhật Bản tuyên bố nối lại viện trợ ODA, Đại sứ Sakaba dành nhiều thời gian nói về trách nhiệm của hai phía trong vụ PCI và kỳ vọng vào quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam.
- Đề nghị Đại sứ cho biết lý do nào khiến Nhật Bản đi đến quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam?
- Kể từ khi quyết định ngưng các khoản vay mới cho Việt Nam vào tháng 8/2008, chúng tôi đã dành nhiều thời gian soạn thảo quy định mới về đấu thầu và lựa chọn chuyên gia tư vấn trong những dự án sử dụng vốn ODA. Việt Nam và Nhật Bản đã thành lập một ủy ban hỗn hợp cũng nhằm mục đích này. Ủy ban đã soạn thảo một bản thỏa thuận với sự ký kết của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Võ Hồng Phúc và Ngoại trưởng Nhật Bản.
Liên quan tới vụ việc của Công ty tư vấn PCI, các quan chức cấp cao của công ty này đã bị bắt và xét xử về hành vi hối lộ tại một số nước nhận ODA. Phía Việt Nam cũng đã có những hành động tương tự nhằm tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng.
Như vậy, hai bên đã thiết lập được cơ chế chọn thầu tư vấn tại các dự án có vốn ODA từ Nhật và Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm cao chống tham nhũng. Trước đó, Chính phủ Việt Nam cũng quyết định thành lập các cơ quan hỗ trợ cho quá trình xét thầu diễn ra một cách minh bạch. Vì những lý do này, hôm 23/2, Ngoại trưởng Hirofumi Nakasone đã nói với Bộ trưởng Võ Hồng Phúc rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ nối lại ODA cho Việt Nam.
![]() |
Đại sứ Nhật Mitsuo Sakaba: "Tôi hy vọng cuối tháng này, 2 bên có thể ký thỏa thuận về 4 dự án với tổng vốn 83,2 tỷ yen". Ảnh: N.C. |
Có 4 dự án bị đình lại sau vụ việc liên quan đến PCI. Hiện đã đến lúc hai bên chuẩn bị cho việc ký kết và triển khai các dự án này với tổng trị giá 83,2 tỷ yen, tương đương khoảng 900 triệu USD. Tuy nhiên, sẽ cần hơn một tháng để ký kết chính thức, vì chúng tôi phải chuẩn bị hợp đồng cho cả hai Chính phủ thông qua, sau đó tôi sẽ là người ký. Tôi hy vọng cuối tháng này, chúng ta có thể đặt bút ký.
- Cùng ngày 23/2, website của Bộ Ngoại giao Nhật đăng bản thỏa thuận của Ủy ban Hỗn hợp Việt-Nhật về ngăn chặn tham nhũng, trong đó đề cập đến bên thứ ba khi chọn thầu. Vai trò của bên thứ ba này là gì, thưa Đại sứ?
- Theo như thỏa thuận, Cơ quan đấu thầu công khai sẽ được thành lập trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm Hỗ trợ Đấu thầu thuộc Cơ quan đấu thầu công khai sẽ cử chuyên gia tham gia vào Hội đồng thẩm định thầu với vai trò như một bên thứ ba để đánh giá và lựa chọn ra nhà thầu tốt nhất. Tại các dự án ở TP HCM hiện nay chỉ có một cơ quan đánh giá dự án. Tuy nhiên sau bản thỏa thuận này, để công bằng hơn, bên thứ ba sẽ có quyền tham gia vào quá trình thẩm định. Điều quản này rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng bên thứ ba sẽ được tham gia càng sớm càng tốt.
- Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam với điều kiện hai phía cùng tuân thủ các điều khoản mới cam kết. Như vậy vẫn có khả năng ODA bị ngừng lại nếu hai bên không thực hiện tròn trách nhiệm?
- Tôi không hy vọng điều này sẽ diễn ra. Tôi tự tin rằng cả hai bên sẽ tuân thủ các cam kết. Tôi không muốn nhìn thấy bất cứ scandal tham nhũng nào liên quan đến ODA từ Nhật Bản nữa.
- Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có kế hoạch tăng giám sát bằng cách đưa chuyên gia vào tất cả dự án có giá trị trên 1 tỷ yen. Họ sẽ có vai trò gì trong dự án?
- Có hai lĩnh vực mà họ tham gia. Đầu tiên, cơ quan đấu thầu công khai của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đóng vai trò như là một bên thứ ba tham gia vào quá trình thẩm định. Cơ quan này sẽ cần nhiều nhân lực mới và họ cũng cần được đào tạo thêm để chuẩn bị cho vai trò quan trọng của họ trong dự án. Các chuyên gia từ JICA sẽ đào tạo những nhân viên này.
Nhiệm vụ thứ hai của họ là công tác hậu kiểm, và họ làm việc này sau khi nhà thầu đã được lựa chọn. Đây là vai trò rất quan trọng của JICA và đảm bảo sự công bằng khi chọn thầu.
- Trước đây, JICA cũng đã có vai trò giám sát các dự án ODA tại Việt Nam, nhưng họ không phát hiện ra vụ PCI cho đến khi mọi việc được hé lộ trong một vụ khác tại Nhật. Ông đánh giá thế nào về khả năng giám sát của JICA?
- Trước đây trong dự án ODA, tiền được chuyển đến cho Ban quản lý dự án và họ có quyền lựa chọn nhà thầu và tư vấn. Trước khi có bản thỏa thuận do Ủy ban Hỗn hợp soạn thảo, JICA không tham gia vào việc chọn thầu tại các dự án. Từ nay, với thỏa thuận mới này, JICA có nhiều quyền hạn hơn trong việc tham gia dự án và kiểm tra các khâu.
- Có vài ý kiến cho rằng nhà thầu Nhật Bản chịu áp lực khi tham gia dự án liên quan đến nguồn vốn ODA tại Việt Nam, và rằng PCI không phải là trường hợp duy nhất. Ông bình luận gì về việc này?
- Tôi không có thông tin nào về một vụ việc khác tương tự PCI. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin kịp thời nếu có liên quan đến nguồn vốn ODA Nhật Bản. Tương tự, trong tương lai, nếu còn có vụ việc nào xảy ra, tôi hy vọng rằng hai phía sẽ chia sẻ thông tin với nhau để có thể tiến hành biện pháp điều tra thích hợp. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao, nên tôi hy vọng những vụ tương tự không còn tái diễn.
- Các công ty Nhật đã trúng thầu tại các dự án Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA từ chính Nhật Bản. Tại một vài dự án vẫn có sự cố kỹ thuật, ví dụ như các vết nứt ở hầm Thủ Thiêm trong dự án Đại lộ Đông Tây. Ông nghĩ sao về việc này?
- Thông thường các trường hợp như tại hầm Thủ Thiêm ít khi xảy ra ở Nhật và các chuyên gia đang kiểm tra nguyên nhân sự cố để làm việc tốt hơn trong những lần sau. Chúng tôi rất tiếc về sự việc trên.
Tôi không có ý bảo vệ các nhà thầu Nhật Bản, nhưng cũng phải nói rằng điều kiện làm việc ở Nhật Bản và Việt Nam khác nhau. Khí hậu và các vật liệu xây dựng, như xi măng, cũng khác nhau. Điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân và khắc phục, để sự việc tương tự không xảy ra lần nữa.
Trong 3 tháng kể từ khi Nhật Bản thông báo tạm ngừng ODA mới cho các dự án tại Việt Nam, hai bên đã có nhiều bước đi nhằm sớm nối lại nguồn vốn. Chỉ vài ngày sau khi Nhật đưa ra thông báo này, vụ án liên quan đến PCI đã được phía Việt Nam khởi tố. Trong chuyến thăm tới Việt Nam vào giữa tháng 12/2008, cựu thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đã bày tỏ mong muốn hai bên sớm thiết lập cơ chế sử dụng vốn ODA tại các dự án, để Nhật có thể nối lại nguồn vốn này cho Việt Nam. Ngày 23/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Nakasone tuyên bố Chính phủ nước này sẽ nối lại ODA cho Việt Nam, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tới Nhật, với tư cách Đặc phái viên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cùng ngày, website của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đăng tải bản thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản về phòng chống tham nhũng trong các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản, do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Ngoại trưởng Nakasone ký. Hiện Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2007, Nhật Bản cam kết số vốn tài trợ ODA cho Việt Nam năm 2008 là 1,11 tỷ USD, chỉ sau Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Theo Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản JBIC, Việt Nam là một trong ba điểm rót vốn quan trọng nhất của Nhật Bản, sau Ấn Độ và Indonesia. |
Thanh Bình