Tại phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan tới quy hoạch (Luật Quy hoạch) ngày 2/11, ông Nguyễn Anh Trí – Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương quan tâm tới sự đồng bộ giữa quy hoạch và kiến trúc đô thị. Nêu thực tế bức bối về tình trạng nhà ống ngự trị ở Việt Nam vài chục năm qua, ông Trí đề nghị cần tìm cách chấm dứt loại kiến trúc này.
“Xin lỗi Quốc hội, có nhiều người còn gọi là nhà quan tài. Đây là câu chuyện khó nhưng phải quyết tâm”, ông nói.
Sửa đổi Luật Quy hoạch lần này, ông Trí hy vọng sẽ ngăn được tiêu cực, lợi ích nhóm khi làm quy hoạch. "Có thể nói quy hoạch mọi thứ, nhưng quan trọng nhất là con người, đất đai. Đường xá, đô thị, cảng, sân bay là mảnh đất màu mỡ để sinh ra tiêu cực. Cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn vì còn phải dọa dẫm để ăn, đưa đẩy cũng có thể ăn", ông day dứt.
Nguyên Giám đốc Viện Huyết học & truyền máu Trung ương đề nghị cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho dân biết, bởi "tất cả thắc mắc, ý kiến này nọ là do chúng ta không công khai".
Bên cạnh những điểm sửa đổi tích hợp, bỏ quy hoạch sản phẩm, dịch vụ..., dự thảo Luật trình Quốc hội lần này vẫn quy định tồn tại song song 2 hệ thống quy hoạch là tỉnh và xây dựng tỉnh. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các đại biểu Quốc hội khi thảo luận.
Ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân ủng hộ phương án tách biệt 2 loại quy hoạch, vì cho rằng "quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ chi tiết hoá những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh".
Tuy nhiên ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, cách quy định hiện nay của dự luật sẽ buộc phải lập 2 bộ quy hoạch cấp tỉnh. Một là, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, gửi hội đồng thẩm định, nếu đạt yêu cầu trình Thủ tướng phê duyệt.
Hai là, quy hoạch xây dựng tỉnh được lập sau khi Thủ tướng phê duyệt. UBND các tỉnh chỉ cần "copy" quy hoạch tỉnh và lược bỏ một số nội dung, đổi tên thành quy hoạch tỉnh để tự thẩm định, phê duyệt sau khi có thống nhất của Bộ Xây dựng.
“Quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt sau khi có phương án thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại 'giấy phép con cực to', gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Sinh nhấn mạnh.
Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế đề nghị Quốc hội xem xét, loại bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh, bỏ giấy phép và chứng chỉ quy hoạch, bỏ hình thức điều chỉnh quy hoạch nội bộ ra khỏi Luật Xây dựng và Luật Đô thị sửa đổi, bổ sung.
Ông Sinh gọi việc tiếp tục tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh là "cuộc cách mạng nửa vời, một điểm tối, không những không khắc phục được tình trạng trùng lặp chồng chéo bắt buộc các địa phương phải làm thêm nhiều việc vô bổ gây lãng phí rất lớn".
"Chúng ta sẽ dung túng cho việc cố tình không chịu buông bỏ quyền lực, quyền lợi của một nhóm lợi ích muốn tiếp tục duy trì cơ chế xin cho với hành vi, cấp trên hành cấp dưới, hành nhân dân và hành doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước”, vị đại biểu tỉnh Quảng Trị dứt khoát nói.
Tương tự, đại biểu Phạm Tri Thức và Trần Thị Dung cũng cho rằng nên loại bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh.
Tồn tại song song 2 quy hoạch này, theo ông Phạm Tri Thức, sẽ dẫn đến tình trạng trên cùng một đơn vị hành chính mà hai quy hoạch có hiệu lực và giá trị pháp lý ngang nhau. Không bảo đảm yêu cầu thu gọn và tích hợp quy hoạch khi ban hành luật.
Trước tranh luận của các đại biểu "có hay không nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh vào quy hoạch tỉnh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, sau thời gian làm việc với Bộ Xây dựng thì thấy quy hoạch tỉnh đã mang tính tổng quát phân bố về không gian, khu chức năng, phát triển kinh tế chung. Còn quy hoạch xây dựng tỉnh mang tính chi tiết hơn, là một quy hoạch chuyên ngành để cụ thể hoá quy hoạch tỉnh.
“Tuy nhiên qua thảo luận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều lý lẽ xác đáng, nên ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc xin ý kiến thêm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này”, ông Dũng nói.
Ông cũng nhắc lại tinh thần làm luật này, là lấy quy định Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. "Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia phải đảm bảo thực hiện theo Luật Quy hoạch, các luật chuyên ngành không quy định lại, quy định trái với nội dung của luật gốc", ông nhấn mạnh.
Trưởng ngành Kế hoạch cũng thừa nhận, Luật Quy hoạch là luật rất khó, nên khi sửa các luật để phù hợp với luật này, ban soạn thảo đã khá vất vả rà soát từng quy định tại các luật khác liên quan.
Dự kiến Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án luật này vào ngày 9/11, trước khi biểu quyết thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, 21/11.
Anh Minh