Sáng 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về xăng dầu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội. Đây là lần đầu ông đăng đàn trả lời từ khi nhận nhiệm vụ đứng đầu Bộ Công Thương.
Vì sao không giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng?
Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng hơn 40% là thuế, phí. Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho rằng giảm thuế để giúp kìm giá xăng dầu là hợp lý nhưng việc chọn giảm thuế bảo vệ môi trường lại chưa thực sự hợp lý.
Bà phân tích, thuế bảo vệ môi trường bản chất đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm và mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Giảm thuế này với xăng dầu dẫn đến, đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp và ngược lại.
Ngoài ra, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên.
Theo bà Mai, nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này. Bà cũng dẫn trường hợp các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế nhập khẩu...
Trả lời đại biểu Lưu Mai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói "cũng chưa thấy cơ sở khoa học để định giá" mức thuế môi trường 4.000 đồng, với xăng. Nhưng nếu chọn giảm sắc thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải tới tháng 5 mới có thể thông qua và tháng 6, 7, Nghị quyết Quốc hội mới có hiệu lực.
"Bối cảnh Quỹ bình ổn không còn, thuế không được giảm thì làm sao hạ giá, trong khi giá thế giới vẫn tăng?. Để xử lý tình huống thì nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường, do đây là thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", ông nói.
Sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Mai muốn tranh luận, nhưng do thời gian có hạn nên ở vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị "gửi ý kiến tranh luận và bộ trưởng trả lời bằng văn bản".
Cũng có đại biểu chất vấn tại sao xăng dầu lại là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chia lửa cùng Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích là loại thuế gián thu, do nhà sản xuất hoặc nhập khẩu nộp. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế này được áp dụng cho xăng với mục đích tiết kiệm trong sử dụng. Mặt hàng dầu không chịu loại thuế này.
Dự trữ xăng dầu quốc gia
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Công Thương cũng nêu hai "ẩn số" trong quản lý xăng dầu hiện nay là việc dự trữ xăng dầu quốc gia và khả năng làm chủ sản xuất dầu trong nước
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Trịnh Lam Sinh (An Giang) băn khoăn, việc không dự trữ xăng dầu quốc gia có phải nguyên nhân thị trường bất ổn như vừa qua.
"Các đại lý nói rất khó mua, họ thường xuyên phải mua với lượng ít khiến chi phí vận chuyển cao. Vậy không rõ việc thực hiện dự trữ đã theo quy định chưa", ông Sinh nói.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không đồng tình với ý kiến cho rằng "không có dự trữ quốc gia" mà có nhưng với số lượng ít, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu 5-7 ngày. Và nguồn này chỉ dùng trong tình huống đặc biệt, chứ không đưa ra trong bối cảnh như hiện nay. Ông nói sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền tăng mức dự trữ này lên, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong 1-2 tháng.
Theo cơ chế hiện nay, hoạt động xăng dầu phải có dự trữ quốc gia, nhưng Việt Nam lại chưa có hệ thống kho riêng, vì thế giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp đầu mối. Về thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề: "33 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối liệu có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không".
Trả lời, ông Diên thừa nhận đây là cơ chế bất hợp lý và doanh nghiệp đầu mối có dự trữ đúng hay không ông nói "là một ẩn số". Ông cho rằng, nếu sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thì việc vận hành sẽ tốt hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay.
Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Vì thế, cơ quan quản lý cũng không biết được 33 doanh nghiệp đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia được giao quản lý hay không.
Ẩn số năng lực nhà máy lọc dầu trong nước
Xăng dầu hiện vẫn phụ thuộc nhập khẩu, khi nguồn sản xuất trong nước mới cung ứng được khoảng 70% nhu cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tranh luận về việc Bộ trưởng nói "nguồn cung không thiếu nhưng chủ yếu là nhập khẩu" và vai trò của các nhà máy sản xuất trong nước sao.
Bộ trưởng Diên nói, trước đây chúng ta không có nhà máy sản xuất song cũng không thiếu xăng dầu. Tương tự, các nước có nhà máy sản xuất, nhưng giá xăng cũng không có giá chênh quá xa với thế giới.
Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Dung Quất do PVN đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35%. Nhưng Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.
Vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng, chủ yếu là tài chính. PVN, với tư cách là một bên trong liên doanh, đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng tham gia giải trình trước Thường vụ Quốc hội. Ông cho biết, giải pháp trước mắt, Chính phủ đã chỉ đạo tăng sản xuất trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo đủ lượng cung hàng trong 2-3 tháng. Tuy nhiên, về dài hạn, Phó thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải làm chủ xăng dầu sản xuất trong nước. Hiện sản xuất trong nước đã cung ứng được 70%.
Ông cho biết, Chính phủ đã làm việc, yêu cầu PVN khẩn trương xây dựng thêm một nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Các thủ tục đầu tư đang được triển khai. Nếu có thêm 10 triệu m3 xăng dầu từ nhà máy này, cộng với 13 triệu m3 từ hai nhà máy lọc dầu hiện nay, tổng cộng là 23 triệu m3, hoàn toàn đảm bảo đủ nguồn cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng khai thác dầu thô, hiện mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu. Một số bất cập trong điều hành khoan thăm dò cũng sẽ được cơ quan quản lý nghiên cứu, điều chỉnh để khi khoan được dầu sẽ phục vụ cho sản xuất, không xuất khẩu.
Sản xuất trong nước được khoảng 13 triệu m3, tấn, trong khi tổng nhu cầu cả nước khoảng 21 triệu m3, tấn và phần thiếu phải nhập khẩu. Ngoài ra, nguồn dầu thô cho 2 nhà máy lọc dầu hiện cũng phải nhập khẩu.