Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án sửa đổi Luật Đầu tư công. Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu, Chính phủ và một số đại biểu đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng. Nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành.
"Việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc, ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án", ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách thừa uỷ quyền của Thường vụ Quốc hội nêu.
Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu giải trình vẫn nêu thêm phương án khác để xin ý kiến đại biểu là điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng.
Ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, mức vốn dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng không có gì bất cập. Mức này được xem là cao ở giai đoạn trước khi chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Điều chỉnh vốn tăng lên 20.000 tỷ đồng, ông Hàm nói, sẽ không còn dự án nào phải trình Quốc hội.
Chưa kể, mức 10.000 tỷ cũng đã là cao so với qui mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách trung ương, không tính bổ sung cho địa phương thì chỉ hơn 80.000 tỷ đồng. "Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không phải quyết dự án nào là bất hợp lý", ông nói.
Phân tích của đại biểu Hàm nhận được sự đồng tình của một số ý kiến sau đó. "Không có vướng mắc thì không cần điều chỉnh cho phức tạp thêm", ông Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật nói.
Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng nêu chính kiến, Quốc hội phải kiểm soát dự án quan trọng quốc gia và danh mục đầu tư công để giám sát được "từng đồng thuế dân đóng góp được dùng ra sao".
Tại dự thảo Luật sửa đổi, Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn. Đề xuất này nhận được những góp ý trái chiều từ các đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, giao cho Chính phủ quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn như "một cách phân cấp". Ông Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng Luật Đầu tư công "là bước thụt lùi của cải cách" vì có quá nhiều thủ tục hành chính. Ông dẫn chứng, sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư làm rất nhanh, trong khi các dự án đầu tư công của Nhà nước lại quá chậm vì nhiều thủ tục. Ông Phương nói "cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn".
Ở chiều ngược lại, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên thẩm quyền quyết định giao vốn, danh mục dự án đầu tư công trung hạn thuộc về Quốc hội.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn giao cho Quốc hội hay Chính phủ thì Chính phủ vẫn phải làm từ đầu đến cuối. "Nếu giờ nói giao cho Chính phủ thuận lợi hơn thì không thuyết phục. Tôi đề nghị giữ nguyên như hiện hành, thẩm quyền vẫn thuộc về Quốc hội", ông nêu.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục dự án đầu tư công thể hiện tính hợp hiến, hợp pháp. "Việc quyết định danh mục dự án chính là việc phân bổ 2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn, đây là tiền thuế của dân và Quốc hội không thể không xem xét nội dung này. Nếu giao quyết định thì đồng nghĩa giao Chính phủ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, như vậy là ngược quy trình, không hợp lý", bà nói.
Ông Hoàng Quang Hàm cũng đánh giá, việc đặt ra vấn đề sửa đổi thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn trong dự án luật sửa đổi là chưa đánh giá kỹ tác động.
Ông dẫn lại quy định hiện hành đã rất khả thi và linh hoạt. "Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng", ông Hàm nói và nhấn mạnh, như vậy mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách Trung ương, vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức.
Giải trình thêm trước những quan điểm khác nhau, ông Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình việc Quốc hội quyết định danh mục đầu tư. Song quá trình làm thực tế gần 10.000 dự án đầu tư công trung hạn phát sinh những điều chỉnh, thay đổi. Mỗi lần thay đổi là một lần báo cáo xin ý kiến Quốc hội, ông Dũng lo, sẽ khiến công việc Quốc hội quá tải.
Ông đơn cử, vòng đời một dự án cần điều chỉnh 3-5 lần, với gần 10.000 dự án thì việc xin điều chỉnh thì khối lượng công việc rất lớn. "Đề xuất giao Chính phủ làm những việc cụ thể phát sinh trong quá trình làm dự án sẽ giúp công việc và điều hành của Quốc hội linh hoạt, nhẹ nhàng hơn. Nguyên tắc cơ quan quyền lực cao nhất của Quốc hội vẫn được đảm bảo", ông Dũng giải thích.
Chốt lại những tranh luận này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, vốn đầu tư công dùng tiền ngân sách và đó cũng là tiền thuế của dân. "Đã là tiền của dân thì một đồng cũng phải giám sát, nên việc Quốc hội quyết danh mục đầu tư để biết tiền của dân chi tiêu vào đâu", ông nói.
Thực tế triển khai dự án nếu có vấn đè phát sinh, theo ông Hiển, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ hoặc Chính phủ giải quyết thông qua ban hành Nghị quyết.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào sáng 13/6.
Anh Minh