Những ngày qua, các ngân hàng lớn, nhà kinh tế và cựu quan chức Mỹ đều nói rằng suy thoái là điều gần như chắc chắn khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tìm cách kiểm soát lạm phát. Ba phần tư CEO các công ty thuộc Fortune 500 dự báo kinh tế tăng trưởng âm trước khi năm 2023 kết thúc. Các tìm kiếm trên Google cho từ khóa "suy thoái kinh tế" tăng vọt.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết bất cứ khi nào lạm phát lên trên 4% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4% - cho thấy kinh tế phát triển quá nóng, trong vòng 2 năm, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Kinh tế Mỹ lúc này đã phá vỡ hai ngưỡng trên.
Năm ngoái, Fed và các nhà đầu tư tin rằng lạm phát sẽ giảm dần khi đại dịch lắng xuống. Giờ thì không ai tin nữa. Nguồn cung khó khăn và giá năng lượng đang tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu lên cao. Câu hỏi là để hạ nhiệt lạm phát, Fed sẽ phải thắt chặt tiền tệ mạnh tay, thì nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng ra sao? Nếu Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế thì như thế nào?
Cách đầu tiên để dự báo là tham khảo lịch sử. Mỹ đã trải qua 12 lần suy thoái kể từ năm 1945. Nhiều nhà quan sát chỉ ra những điểm tương đồng giữa tình trạng ngày nay và đầu thập kỷ 80, khi Fed mạnh tay kiểm soát lạm phát, dẫn đến một cuộc suy thoái sâu.
Một ví dụ khác là cuộc suy thoái kéo theo khủng hoảng năng lượng những năm 70, tương tự tình trạng giá dầu và lương thực tăng vọt hiện tại. Một số thì liên hệ việc bong bóng dotcom vỡ vụn năm 2000 với cổ phiếu công nghệ lao dốc năm nay.
Nhưng ngoài những điểm tương đồng trên, kinh tế Mỹ ngày nay cũng có những khác biệt lớn. Lạm phát không khó can thiệp như đầu thập niên 80. Tăng trưởng cũng không dùng nhiều năng lượng như những năm 70. Và nền kinh tế đang đối mặt với những biến động phức tạp hơn so với giai đoạn năm 2000.
Bản chất bất thường của nền kinh tế có thể thấy từ đợt suy thoái vì đại dịch năm 2020 và sự phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Kích thích tài chính và tiền tệ tràn ngập nền kinh tế - điều không hề có trong các đợt suy thoái trước.
Cách khác tốt hơn để dự đoán là phân tích ba khía cạnh: nền kinh tế thực, hệ thống tài chính và ngân hàng trung ương. Đầu tiên là khả năng phục hồi của nền kinh tế thực - tuyến phòng thủ quan trọng nhất trong thời kỳ suy thoái. Người Mỹ đang có nền tảng tài chính vững chắc. Nợ hộ gia đình khoảng 75% GDP so với mức 100% trước khủng hoảng tài chính 2007-2009. Nợ phải trả hàng năm chiếm khoảng 9% thu nhập khả dụng, mức thấp nhất kể từ những năm 1980.
Nhiều hộ gia đình có lượng tiền mặt lớn nhờ các đợt phát tiền hai năm qua và giảm chi cho dịch vụ trong đại dịch. Tiền tiết kiệm của họ đã vượt 2.000 tỷ USD (chiếm 9% GDP).
Trong các cuộc suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Tuy nhiên, thị trường lao động lúc này rất cần người. Cứ một người thất nghiệp thì có 1,9 việc làm đăng tuyển.
Tuy nhiên, ngay cả khi hầu hết người dân ít chịu tác động từ suy thoái, họ vẫn có khả năng giảm chi tiêu khi nền kinh tế đi xuống. Điều này sẽ làm giảm doanh thu các doanh nghiệp.
Một câu hỏi quan trọng là lợi nhuận giảm sẽ tác động thế nào đến mức nợ cao. Không như các hộ gia đình, các công ty đã tăng cường vay nợ trong thập kỷ qua. Nợ doanh nghiệp phi tài chính hiện ở mức 75% GDP, gần bằng kỷ lục cũ.
Chắc chắn nhiều công ty đã tận dụng lãi suất thấp kỷ lục trong đại dịch. Năm ngoái, họ tái cấp vốn các khoản nợ hiện hành bằng khoản vay lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn. Điều đó giúp giảm 27% nợ đáo hạn năm nay, tương đương 250 tỷ USD. Nó cũng giúp họ ít bị tổn thương hơn với việc tăng lãi suất.
Tuy nhiên, các công ty có tài chính kém vững vàng hơn cũng tận dụng giai đoạn tiền rẻ thời gian qua. Trái phiếu được xếp hạng BBB - mức thấp nhất của bậc có thể đầu tư - hiện chiếm 57% thị trường trái phiếu cấp đầu tư, tăng từ 40% năm 2007. Khi suy thoái xảy ra, xếp hạng của nhiều trái phiếu trong số này có thể trượt một hoặc hai bậc. Và khi trái phiếu chuyển từ trạng thái đầu tư sang đầu cơ, hoặc rác, chúng trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều đối với nhiều nhà đầu tư như quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm.
Dù vậy, nhờ xuất phát điểm là chi phí vay thấp, hậu quả tồi tệ sẽ được giới hạn. Theo kịch bản bi quan - khi suy thoái xảy ra với chi phí đầu vào cao hơn và lãi suất tăng - S&P dự báo 6% trái phiếu doanh nghiệp đầu cơ sẽ vỡ nợ trong năm tới. Con số này cao so với tỷ lệ 1,5% hiện nay, nhưng chỉ bằng một nửa mức 12% năm 2009.
Yếu tố cần phân tích thứ hai là hệ thống tài chính. Tiêu chuẩn an toàn vốn Basel III đã buộc các công ty tài chính lớn phải nắm giữ nhiều vốn hơn và tài sản có tính thanh khoản cao hơn. Nhờ vậy, ngày nay các ngân hàng có biên độ an toàn cao hơn nhiều. "Suy thoái kế tiếp sẽ không giống như sau khủng hoảng tài chính", Jay Bryson - Giám đốc ngân hàng Wells Fargo - đánh giá.
Tất nhiên cũng có những rủi ro mới. Các công ty cho vay phi ngân hàng đã phát hành khoảng 70% tổng số khoản vay thế chấp năm ngoái, tăng so với mức 30% của một thập kỷ trước. Các công ty bảo hiểm, quỹ đầu cơ và công ty đầu tư dành cho giới siêu giàu cũng chịu thêm rủi ro. Họ gánh nhiều nợ hơn 15 năm trước và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng thấp.
Dù vậy, yếu tố ổn định quan trọng cho hệ thống tài chính khác là sự vững chắc của thị trường bất động sản. Sam Khater, Phó chủ tịch công ty cho vay thế chấp Freddie Mac ước tính nước Mỹ đang thiếu gần 4 triệu ngôi nhà. Điều này cũng khác với giai đoạn suy thoái năm 2007, khi hoạt động đầu tư bất động sản lên quá cao.
Thứ ba là chính sách tiền tệ. Hồi tháng 3, Fed dự báo lạm phát sẽ giảm xuống gần 2% năm 2024 mà không cần lãi suất phải vượt quá 3%. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy.
James Bullard, Chủ tịch Fed St Louis cho rằng cần tăng lãi suất lên 3,5% vào cuối năm nay. Các cuộc khảo sát thậm chí cho rằng Fed cần tăng lãi suất lên 5,5%. "Chúng ta sẽ cần mức lãi suất cao hơn Fed đang hình dung hoặc thị trường dự đoán", ông Summers cho biết.
Nói cách khác, Fed đang bắt đầu một cuộc hành trình với điểm đến rõ ràng (lạm phát thấp), phương tiện rõ ràng (lãi suất) nhưng lại mơ hồ về cách đi đến đó (lãi suất phải cao đến mức nào). Họ chỉ có thể biết con đường chính xác bằng cách cứ tiến về phía trước và xem phản ứng của nền kinh tế.
Nhưng Fed có thể hài lòng với kết quả cho đến nay khi thị trường chứng khoán từng sôi sục giờ đã hạ nhiệt. Tác động lên các khoản vay thế chấp cũng lớn: Lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm đã tăng trên 5%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Thị trường tín dụng hiện cũng không quá căng thẳng.
Cả ba yếu tố này cho thấy một cuộc suy thoái nếu có sẽ tương đối nhẹ nhàng. Tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp hầu hết đều ổn định. Rủi ro trong hệ thống tài chính dường như có thể kiểm soát được. Về phần mình, Fed phản ứng chậm với lạm phát, nhưng vẫn có thể xử lý tình hình hiệu quả.
Vậy tại sao phải lo lắng? Vì ngay cả một cuộc suy thoái nhẹ cũng sẽ gây ra tổn hại. Hãy tưởng tượng tỷ lệ thất nghiệp chỉ cần tăng 2% là khoảng 3 triệu người Mỹ sẽ mất việc làm.
Hậu quả chính trị có thể còn lớn hơn. Suy thoái năm 1990 đã giúp mở đường cho chiến thắng của Bill Clinton trước George H.W. Bush. Suy thoái nhẹ năm 2023 cũng có thể khiến Tổng thống Joe Biden mất nhiệm kỳ tiếp theo.
Về phần mình, Fed sẽ vừa phải chiến đấu để kiềm chế một nền kinh tế phát triển quá nóng với lạm phát tăng cao, vừa lo lắng về việc nhu cầu tăng quá mức. Nếu chu kỳ tăng lãi suất dừng lại ở mức thấp, Fed sẽ không còn nhiều dư địa để giảm lãi. Kết quả là Fed có khả năng bị hạn chế công cụ can thiệp nếu cuộc suy thoái tiếp theo bắt đầu manh nha.
Khi chính sách tài khóa và tiền tệ gặp khó, rất có thể Mỹ sẽ phải đối mặt với sự phục hồi chậm chạp. Nghĩa là, sau hai năm lạm phát cao, tăng trưởng thấp có thể lại trở thành vấn đề đau đầu của nền kinh tế.
Phiên An (theo The Economist)