Chỉ còn hai ngày nữa, hàng nghìn hiệu vàng nhỏ lẻ sẽ bị cấm mua bán vàng miếng vì không đủ điều kiện và phải "nhường sân chơi" lại cho khoảng 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng, với hơn 2.400 chi nhánh được cấp phép lại để kinh doanh vàng miếng.
Theo quan sát của VnExpress.net sáng 7/1, nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ trên địa bàn quận Bình Tân, khu vực chợ An Đông, chợ Phạm Văn Hai, Tân Bình, hay quanh chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM nhiều biển hiệu niêm yết giá đã có sự thay đổi cách ghi. Giá mua bán vàng miếng SJC ngay dòng đầu tiên của biển hiệu, giờ được thay bằng giá vàng 9999, dòng thứ hai ghi giá vàng trang sức...
Nhiều tiệm vàng nhỏ tại TP HCM đã không còn niêm yết giá vàng SJC trên bẳng hiệu. Ảnh: Lệ Chi |
Bà Thanh, chủ tiệm vàng gần chợ Bà Hom, Bình Tân cho biết cả năm 2012, dù chưa bị cấm, cửa hàng nhà bà đã hầu như không mua bán vàng miếng. "Chúng tôi đã gỡ bỏ việc ghi giá vàng miếng cả tuần nay và quyết định ghi giá trang sức lên trước để cho thấy tiệm vàng hiện nay chủ yếu là bán nữ trang”, bà nói.
Trên quầy kệ của tiệm vàng bà Thanh cũng như nhiều nơi khác, trước đây các khay đựng vàng miếng thường đầy ắp loại vàng từ 0,5 chỉ đến 1 lượng, 5 lượng... nay đã thay bằng các khay vàng nhẫn và trang sức. Tiệm vàng khá lớn gần chợ Bà Chiểu trước giờ vốn đông khách, sáng nay vẫn mua bán vàng miếng nhưng trên quầy kệ không hề trưng bày mặt hàng vàng miếng. Khi khách đến hỏi mua thì chủ tiệm mới điện thoại hỏi giá rồi bảo chờ 10-15 phút sẽ có người mang tới giao.
Giải thích lý do không để vàng trên kệ, ông chủ cho biết mấy tháng qua, thị trường diễn biến phức tạp nên giao dịch vàng miếng khá chậm. Do đó, cửa hàng ông hầu như không "tích trữ" nhiều. "Chúng tôi chỉ lấy số lượng có hạn để bán cho khách vãng lai. Còn nếu có khách quen cần mua thì điện thoại trước để chúng tôi đến đầu mối (Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn) nhận về giao", ông này chia sẻ.
Chủ hiệu vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 cũng tâm sự, mảng kinh doanh vàng miếng này đã gắn bó với gia đinh hàng chục năm qua. Nhớ lại thời hoàn kim trước kia, bà tính toán ngày cao điểm có thể bán được 50 lượng. Trừ đi rủi ro và phải mua bán liền tay, mỗi lượng cũng lời khoảng vài chục nghìn đồng.
Nguyên năm 2012 giao dịch vàng miếng gần như ngưng trệ, giá lại biến động khôn lường. Vốn bỏ ra kinh doanh vàng miếng khá lớn nhưng lợi nhuận thu về rất thấp, chỉ bằng 10-20% so với nữ trang. "Do đó, giờ không được bán vàng miếng nữa cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào kinh doanh nữ trang", bà cho biết.
Tiệm vàng nhỏ trước ngày bị xóa sổ. Ảnh: TB |
Tại Hà Nội, các cửa hàng vàng nhỏ trên đường Cầu Giấy không khí mua bán hầu như "đóng băng". Số lượng vàng miếng bày bán ở đây không nhiều, trang sức vàng và bạc là chủ yếu. Chủ một cửa hàng cho biết sau khi bị cấm bán vàng miếng thì vẫn hoạt động bình thường do còn bày bán nhiều mặt hàng trang sức. Cũng theo lời ông chủ cửa hàng, lực mua bán vàng miếng thời gian qua không mấy cao. "Mấy đợt giá tăng gần đây chủ yếu khách mang vàng trang sức, vàng nguyên liệu tới bán lại", ông nói.
Từ chối cung cấp thông tin cụ thể về lời lỗ, chủ cửa hàng cho biết cả năm 2012 tình hình kinh doanh chỉ bằng nửa năm ngoái. Ông cũng bày tỏ rằng, việc quản lý của cơ quan chức năng đối với các tiệm vàng nhỏ lẻ hiện nay là không khả thi. Bởi theo ông, nguyên nhân giá vàng trong nước xảy ra nhiều biến động mạnh là do ảnh hưởng từ các ngân hàng, chứ không phải do các tiệm vàng nhỏ lẻ gây ra.
Nhiều tiệm vàng trên phố Hà Trung cũng không nằm trong diện được cấp phép mới, nhưng giới kinh doanh tại đây không lo lắng bởi hoạt động chính của họ là thu đổi ngoại tệ. Trong khi đó, có những công ty lớn chưa nằm trong danh sách cấp phép thì hy vọng sẽ được bổ sung vào diện cấp phép mới từ ngày 10/1 tới.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đã chuẩn bị kỹ cho ngày 10/1 tới. Theo đó, cơ quan này đã bàn giao cho các chi nhánh, yêu cầu thống kê các điểm mua bán vàng miếng trên địa bàn của mình. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng gửi văn bản cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp. Cả cơ quan quản lý thị trường cũng nhập cuộc trong việc kiểm tra việc mua bán vàng miếng từ ngày 10/1.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn lo ngại, sự kiện ngừng cấp phép mua bán vàng miếng đối với 70% số cửa hàng là sự thay đổi lớn, chắc chắn sẽ gây ra ít nhiều xáo trộn. Do đó, cơ quan này đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau, nhằm hạn chế những sự cố có thể xảy ra.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng tại TP HCM cũng lưu ý, với con số hàng nghìn điểm kinh doanh vàng miếng bị cấm, khó tránh khỏi tình trạng một số nơi sẽ tiếp tục "mua bán chui". "Họ có thể thực hiện giao dịch tại nhà chẳng hạn", ông dẫn chứng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, sau ngày 10/1, việc quản lý kinh doanh vàng miếng sẽ được triển khai tương tự như ngoại tệ. "Các cửa hàng không được cấp phép nhưng vẫn cố tình mua bán vàng miếng sẽ bị xử lý theo Nghị định 95", ông nói.
Theo đó, Nghị định 95 ban hành năm 2011 của Chính phủ ghi rõ hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 400 cửa hàng buôn bán vàng miếng và tại TP HCM, con số này là gần 900. Kể từ 10/1 tới, số lượng các cửa hàng trên sẽ chỉ còn 30%.
Thanh Bình -Lệ Thanh