Covid-19 đã khiến hàng loạt hãng bay từ lãi sang lỗ trong quý I. Chịu tác động lớn nhất trong ngành là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Chỉ trong quý I, hãng bay này đã lỗ hơn 2.600 tỷ đồng - cao hơn lợi nhuận sau thuế của họ cả năm 2019.
Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng 18.900 tỷ đồng, giảm hơn 6.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm là chủ yếu (khoảng 29,4%) tương đương 5.601 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, doanh thu quý I của Vietjet Air giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 7.222 tỷ đồng. Hãng bay này lỗ 989 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận quý âm kể từ khi niêm yết đầu năm 2017. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn dự kiến trước đó của chính ban lãnh đạo Vietjet.
Trong giai đoạn khó khăn, hai ông lớn hàng không đều phải cắt giảm chi phí bằng nhiều hình thức. Để kéo lại doanh thu mùa dịch, hai hãng này đều tăng chuyến bay chở hàng và bán các sản phẩm thẻ bay trả tiền trước.
Ngoài ra, Vietjet bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, tăng chi phí phụ trợ tại sân bay. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí hoạt động của hãng này giảm bình quân 35-40%. Vietjet cũng đã đàm phàn thành công về việc giãn các khoản phải trả 3-12 tháng.
Tương tự, Vietnam Airlines cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách, hoãn các khoản chi có thể, đàm phán để giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết... Doanh nghiệp này cũng tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất, điều chỉnh thu nhập của toàn bộ lao động. Trong quý I, chi phí quản lý doanh nghiệp của Vietnam Airlines giảm mạnh hơn 26,4%.
Không đến mức lỗ nặng như Vietnam Airlines hay Vietjet nhưng doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ hàng không cũng đều lao dốc. Doanh thu của công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 520 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp nhà Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ lãi chưa đến 16 tỷ đồng, giảm hơn 5 lần so với 3 tháng đầu năm ngoái – mức thấp nhất từ khi công ty niêm yết giữa năm 2015.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định quý II, tác động của các biện pháp phòng dịch đến hàng không sẽ nặng nề hơn khi toàn bộ mạng bay quốc tế dừng hoạt động, các đường bay trong nước cũng chỉ được khai thác với tần suất hạn chế.
Theo BSC, với dịch tương tự trước đó như MERS, SARS, cần 6-7 tháng để phục hồi sản lượng hành khách. Còn với sự kiện gây thiệt hại nhanh chóng như vụ khủng bố 11/9 cần 4-5 tháng mới phục hồi. Tuy nhiên, với Covid-19 lần này, BSC dự báo thời gian phục hồi sẽ lâu hơn do dịch bệnh diễn biến khó lường, cùng với đó thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái, tác động xấu tới tâm lý tiêu dùng.
Bên cạnh các hãng, doanh thu của công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) chuyên cung cấp dịch vụ hàng không, suất ăn tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc... cũng giảm hơn 21%, xuống còn 196,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Taseco Airs khoảng 16 tỷ đồng, giảm gần 70% so với quý I năm ngoái.
Trong khi đó, kinh doanh tốt nhất trong nhóm các doanh nghiệp hàng không đầu năm nay vẫn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Dù doanh thu thuần giảm mạnh 18%, còn hơn 3.800 tỷ đồng, ACV vẫn lãi hơn 1.550 tỷ đồng – vượt kế hoạch lãi 1.476 tỷ đồng của cả năm nay. Đến hết quý I, tổng tài sản của doanh nghiệp đang quản lý 21/22 sân bay tại Việt Nam đạt hơn 58.700 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn chiếm khoảng 56%, tăng 9% so với đầu năm.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, quý I, lượng hành khách qua các cảng hàng không chỉ đạt 24 triệu khách, giảm 12,4% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 7 triệu, giảm 31,6%, khách nội địa đạt 17 triệu khách, giảm nhẹ 0,7% do vẫn trùng cao điểm Tết Nguyên Đán.
Dù vậy, các hãng bay trong nước như Vietjet đang hy vọng ngành hàng không sẽ nhanh chóng phục hồi khi Việt Nam bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh. Từ đầu tháng 5, các kế hoạch bay nội địa của Vietjet đã bắt đầu trở lại. Việc đàm phán giãn nợ thành công cũng giúp hãng này có nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp đi qua đại dịch, sẵn sàng khi thị trường khôi phục và bật tăng trở lại.
Vietnam Airlines cũng đang xin đẩy nhanh tiến độ mua thêm 50 máy bay để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch. Theo lý giải của lãnh đạo hãng này, đây là một cơ hội khi phần lớn các hãng trên thế giới hủy đơn hàng. Trước đây vài tháng, đặt hàng phải mất 3-4 năm mới được giao nhưng hiện có thể được nhận sớm hơn.
Anh Tú