Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, dự thảo nghị quyết đưa ra ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Hết thời gian miễn thuế, những doanh nghiệp có lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng sẽ áp mức thuế suất 15%. Mức thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 đến 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của năm trước liền kề.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất, để tránh việc doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà đơn vị trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Bộ Tài chính ước tính có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng mỗi năm.
Theo cơ quan soạn thảo, việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng các chính sách miễn giảm thuế nêu trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
Bộ cho biết, giải pháp này góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Nguyễn Hà