Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2030 tăng 28,5-62,1 tỷ USD (tương đương 7-16% GDP) vào năm 2030, tuỳ theo kịch bản cao - thấp. GDP bình quân đầu người sẽ tăng 315-640 USD một người nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.
Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra 1,3-3 triệu việc làm mới. Các nền tảng công nghệ mới của cách mạng 4.0 như IoT, media, kinh tế số... được giới phân tích nhắc tới như là động lực mới cho tăng trưởng Việt Nam giai đoạn tới. Dự báo doanh thu ngành thương mại điện tử năm 2030 khoảng 40 tỷ USD; điện toán đám mây 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ 2,2 tỷ USD hay nông nghiệp thông minh 1,7 tỷ USD...
Tuy nhiên, lực đỡ cho những nền tảng này phát triển, theo ông Cung, lại đang thiếu ở Việt Nam. "Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo. Pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi trước các xu hướng công nghệ và thị trường", ông nêu.
Viện trưởng Cung cho rằng, Việt Nam cần phải có các trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng cao, quy mô lớn để nuôi dưỡng và phát triển startup. Quan trọng hơn, Chính phủ cần trao cho họ một thể chế vượt trội hoàn toàn để tự do sáng tạo, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính hay những quy định hiện hành. "Trung tâm này sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được quản lý bởi những CEO giỏi (có thể đi thuê) với mức lương cạnh tranh", ông Cung nói.
CIEM cũng kiến nghị chính sách với quan điểm cải cách thể chế, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý, công cụ quản lý. "Đây là điều kiện tiên quyết cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam", Viện trưởng Cung đúc kết.
Minh Anh