Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 27/3, phần lớn chất vấn của nhà đầu tư dành cho ban lãnh đạo Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT đều xoay quanh hoạt động bán lẻ dược phẩm. Đây là mảng kinh doanh mới được doanh nghiệp này triển khai từ cuối năm 2017, sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Bạch Điệp thừa nhận liều lĩnh khi nhận hơn 70 tỷ đồng công ty cho mượn để đầu tư cá nhân vào lĩnh vực này dù hoàn toàn không có kinh nghiệm. Bà xác định phải mua lại một chuỗi nhà thuốc quy mô nhỏ nhằm hạn chế rủi ro và đánh giá hiệu quả.
"Không ít đơn vị từng đánh tiếng bán lại cửa hàng, thương hiệu... khi biết chúng tôi có ý định tham gia bán lẻ dược phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi chọn Long Châu bởi lúc đó họ sở hữu 4 cửa hàng với doanh thu bình quân hàng tháng của mỗi cửa hàng lên đến 3 tỷ đồng. Chúng tôi tò mò muốn biết vì sao họ thu hút được khách hàng và doanh thu vượt xa những đơn vị khác", người đứng đầu FPT Retail nói.
Sau hai năm tiếp quản, bà Điệp đã thử nghiệm nhiều mô hình cho chuỗi nhà thuốc như chia sẻ mặt bằng với các cửa hàng công nghệ FPT Shop để giảm chi phí mặt bằng, tận dùng khách hàng sẵn có hoặc mở nhà thuốc cạnh các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, xung quanh bệnh viện...
Tính đến cuối năm ngoái, chuỗi nhà thuốc Long Châu mở rộng quy mô lên 22 cửa hàng tại TP HCM, Đồng Nai và sắp tới là Tiền Giang, Long An.
Bán lẻ dược phẩm mang về hơn 380 tỷ đồng doanh thu trong năm 2018. Thuốc và thực phẩm chức năng lần lượt chiếm khoảng 58% và 30% cơ cấu doanh thu phân theo sản phẩm. Phần còn lại đến từ trang thiết bị y tế và dược mỹ phẩm.
FPT Retail ước tính mỗi ngày chuỗi nhà thuốc đang ghi nhận 1,6 tỷ đồng doanh thu. Mục tiêu năm nay dự kiến đạt doanh thu 500 tỷ đồng và lỗ ròng khoảng 20 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc lỗ nhẹ trong hai năm đầu xây dựng chuỗi là bình thường, thậm chí có phần khả quan hơn so với khi công ty bắt đầu phát triển chuỗi bán lẻ điện thoại do cần nguồn lực tập trung xây dựng logistic, tăng số lượng nhà thuốc, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ quản lý và chuyên môn.
"Cả nước hiện có hơn 30.000 nhà thuốc lớn nhỏ nhưng chưa có doanh nghiệp nào thống lĩnh thực sự. Cơ hội còn rất lớn nên nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là tăng số lượng lên 70 cửa hàng trong năm nay và 700 cửa hàng vào cuối năm 2022", bà Điệp nói và thông tin thêm sẽ cân nhắc khả năng phân phối hoặc đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm nếu tình hình thuận lợi.
Trao đổi với VnExpress trước đó, bà Điệp cũng cho rằng có nhiều chỉ số chứng minh dược phẩm là ngành hàng tiềm năng. Điển hình như quy mô thị trường vào khoảng 4,5 tỷ USD (tương đương ngành hàng điện thoại và cao hơn điện máy, laptop), tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đảm bảo hai chữ số do không phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chi tiêu cho dược phẩm của người Việt khoảng 30 USD một năm...
Phương Đông