Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng 28/3, bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) lần đầu chia sẻ cởi mở về kế hoạch phát triển mảng dược phẩm sau một năm âm thầm triển khai.
Người đứng đầu FPT Retail cho rằng có nhiều chỉ số chứng minh dược phẩm là ngành hàng tiềm năng. Đầu tiên là quy mô thị trường vào khoảng 5 tỷ USD, tương đương ngành hàng điện thoại và cao hơn điện máy, laptop. Thứ hai, ngành hàng này không phụ thuộc vào tình hình kinh tế nên tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đảm bảo hai chữ số. Thứ ba, chi tiêu cho dược phẩm của người Việt chi khoảng 30 USD một năm và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
“Nếu bước dò dẫm vào ngành hàng mang tính đặc thù, chúng tôi có khả năng thiệt hại lớn. Do đó, việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (TP HCM) vào cuối năm ngoái giúp công ty hạn chế tối đa rủi ro”, bà Điệp chia sẻ.
Thời điểm FPT Retail lấn sân dược phẩm, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có năm cửa hàng với doanh thu bình quân hằng tháng của mỗi cửa hàng là 136.000 USD. Con số này gấp 12 lần Pharmacity và bốn lần Phúc An Khang – chuỗi nhà thuốc vừa được Thế Giới Di Động góp vốn.
Sau một năm tiếp quản, FPT Retail đã nâng tổng số cửa hàng dược phẩm lên con số 10. Công ty dự kiến mở thêm 30 cửa hàng trong năm nay và cán mốc 400 cửa hàng trong vòng bốn năm tới. Khi đó, công ty sẽ chiếm khoảng 30% thị phần dược phẩm với doanh thu xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân rẽ sang một ngành hàng mới, bà Điệp cho rằng bất chấp việc quy mô thị trường điện thoại vẫn tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm thì sự bão hòa vẫn thể hiện ngày càng rõ, nhất là về độ phủ cửa hàng.
Năm nay, FPT Retail chỉ đặt mục tiêu mở thêm 100 cửa hàng điện thoại. Doanh thu thuần dự kiến đạt 16.020 tỷ đồng và được phân bổ tương đối chi tiết. Trong đó, nhóm cửa hàng cũ là mới mở lần lượt đóng góp 13.300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ gói dịch vụ mua hàng trả góp bằng lương hàng tháng, không lãi suất dành cho khách hàng là nhân viên của các doanh nghiệp liên kết với FPT Retail và mua điện thoại tặng kèm cước nhà mạng.
Bên cạnh đó, công ty vẫn tập trung triển khai chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm Apple chính hãng nhằm xây dựng định vị thương hiệu cao cấp, tiết kiệm chi phí trung gian khi nhập khẩu trực tiếp từ Singapore.
Ban lãnh đạo FPT Retail cho biết, tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh thị trường điện thoại có dấu hiệu bão hòa được xem là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, thông qua việc đàm phán với nhà cung cấp để cải thiện tỷ suất lợi nhuận, tận dụng lợi thế về quy mô trong quản lý hoạt động để tiết kiệm chi phí cố định trên mỗi cửa hàng và thay đổi tỷ trọng ngành hàng nên công ty tự tin vẫn bám sát kế hoạch này.
FPT Retail mới đây đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Cổ phiếu này dự kiến chính thức lên sàn vào cuối tháng 4. Trên thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC), cổ phiếu này đang giao dịch quanh vùng giá 142.000 đồng.
Phương Đông