Tại cuộc làm việc xử lý 12 dự án thua lỗ yếu kém ngày 27/3, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Vinachem cho biết, trong số các dự án thua lỗ của lĩnh vực hoá chất thì hiện một số đã có lãi, giảm lỗ nhưng "khó khăn vẫn chồng chất". Năm 2018 giá than tăng, khan hiếm do ưu tiên cho sản xuất điện nên Vinachem có lúc phải cầu cứu Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) rót than, kịp chạy các nhà máy. "Hiện chúng tôi vẫn trong tình trạng dàn xếp từng chuyến tàu than, rất căng thẳng", ông nói.
Nhưng lo hơn cả, theo Chủ tịch Vinachem là việc tái cơ cấu các khoản vay, như nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại nhưng cầm chừng. Hiện nhà máy này không có vốn sản xuất khi "cửa" vay ngân hàng bị đóng hoàn toàn. Đạm Ninh Bình hiện "sống" dựa vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng. "Bản thân cán bộ Vinachem cũng phải cùng anh em nhà máy xuống tận các đại lý, khách hàng vận động họ mua hàng, ứng tiền trước cho nhà máy", ông Cường kể.
Chi phí tài chính quá lớn nên theo ông Cường, việc xử lý Đạm Ninh Bình là "căng thẳng nhất". "Tình trạng này kéo dài, Đạm Ninh Bình mà sập thì kéo sập cả tập đoàn khi chúng tôi đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 13.000 tỷ", ông lo ngại.
Lãnh đạo Vinachem đề xuất các cấp có thẩm quyền cho khoanh các khoản nợ của Đạm Ninh Bình, có giải pháp về hợp đồng vay với một số ngân hàng và lâu dài bán nhà máy lấy tiền trả nợ.
Tương tự, doanh thu năm 2018 của Nhà máy Đạm Hà Bắc gần 3.100 tỷ đồng, song chi phí tài chính (lãi ngắn hạn, dài hạn, tỷ giá...) khoảng 820 tỷ đồng và sẽ tăng lên 870 tỷ trong năm 2019. Bình quân lãi vay hơn 10% một năm, cộng cả lãi phạt trả chậm là hơn 15% một năm.
Ngoài 2 dự án đạm đang khá xấu thì 2 dự án đạm khác còn lại của Vinachem ghi nhận kinh doanh sáng sủa hơn, như DAP1 Hải Phòng đã ghi nhận lãi từ năm 2017, và 2 tháng đầu năm nay lãi trên 12 tỷ đồng. "Chúng tôi mong muốn được đưa nhà máy này ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ", ông Cường bày tỏ.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ trước đây thì có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi như DAP số 1- Hải Phòng, Thép Việt Trung. Các dự án còn lại đang từng bước khắc phục khó khăn.
Ba dự án nhiên liệu sinh học trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành ổn định trở lại là Dự án Xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Còn Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường....
Ông Khánh chỉ ra ba vướng mắc lớn đặt ra trong giải quyết số dự án thua lỗ này là tranh chấp trong các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản tại dự án... Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc tái cơ cấu hoạt động, triển khai xử lý dự án theo phương án đã phê duyệt thì cần xem xét đưa ra khỏi danh sách những dự án đã hoàn thành cơ bản việc xử lý.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình việc xem xét đưa dự án, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, cụ thể là nhà máy DAP 1 - Hải Phòng.
Còn dự án Nhà máy Thép Việt Trung, ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam xin "thêm thời gian đưa dự án này ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ" với lý do nhà máy lỗ trong quý I/2019.
Trước những vướng mắc của các dự án, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần đánh giá đầy đủ thông tin, các bất cập và khó khăn trong xử lý, các vấn đề pháp lý tranh chấp hợp đồng... các bộ ngành liên quan "làm quyết liệt và xử lý dứt điểm".
Nguyễn Hoài