Chia sẻ tại hội thảo Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vai trò ngành dầu khí ngày 18/7, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch HĐTV cho rằng, quan điểm và cơ chế hiện nay khiến cho ngành dầu khí không có cơ chế, nguồn quỹ để khoan và thăm dò. Do đó, ngành này "đang ăn vào quá khứ, công lao của thời kỳ trước".
Nếu trước đây, mỗi năm nhà đầu tư nước ngoài rót khoảng 2 tỷ USD vào thăm dò, khai thác dầu khí nhưng giờ chỉ vài trăm triệu. Việc gia tăng trữ lượng đang chững lại, khi thời kỳ trước hút một tấn dầu thô thì gia tăng 1,5-2 lần tấn dầu quy đổi, giờ lượng gia tăng còn 0,3-0,4 lần.
"Với ngành dầu khí không thăm dò thì làm sao mà gia tăng trữ lượng. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị (năm 2017) về phát triển ngành dầu khí mục tiêu không thay đổi nhưng giải pháp thì thực sự chưa có gì. Trong khi pháp luật, thể chế với chúng tôi chẳng khác nào đặt điều kiện gả chồng cho con gái lúc 18 đôi mươi, thế nhưng chúng tôi giờ đã là gái lỡ thì rồi thì ai mà người ta đến", ông Thanh ví von.
Chưa kể Luật Dầu khí mới sửa đổi, theo ông Thanh, quy định nhiều điều kiện khắt khe. Hay Luật Thuế tài nguyên nước khiến mỗi lô thăm dò dầu khí phải trả chi phí tài nguyên đến 10-15 triệu USD là quá cao, không nhà đầu tư thăm dò nào chịu được. Thời kỳ trước, trung bình một năm, ngành này thu hút khoảng 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để thăm dò, khai thác thì nay chỉ vài trăm triệu USD.
"Quy định này áp dụng cho môi trường thuỷ sản, với phạm vi vài km2 thì được. Nhưng với chúng tôi thì thật sự khó khăn. Như thế chẳng khác nào tự chúng ta đóng cửa chúng ta", ông Thanh nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam thì so sánh PVN như gã khổng lồ nhưng thiếu máu. Ông cắt nghĩa, khổng lồ là vì có tổng tài sản rất lớn, nhưng lại thiếu máu do bị siết bởi cách quy định, cơ chế khiến hoạt động của ngành rất khó khăn. Ví dụ, khi khoan một mũi không như ý, phải khoan chệch sang một nhánh mới thì cần điều chỉnh tổng mức đầu tư khoảng vài chục triệu USD, lúc đó cần Thủ tướng quyết định. Trong khi với doanh nghiệp nước ngoài thì họ được điều chỉnh trong vòng 1 tuần. "Thủ tục đang là rào cản cho sự phát triển của dầu khí", ông Minh nhận định.
Nhận xét "ngành dầu khí có nhiều vấn đề cần xử lý", song ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng mấu chốt để giải những ách tắc của ngành này là sửa Luật Dầu khí để tạo động lực cho PVN hoạt động.
"An ninh năng lượng là một trong ba trụ cột của an ninh kinh tế, tác động mạnh đến an ninh lương thực và an ninh tài chính. Vấn đề là sửa luật dầu khí, tạo động lực cho một ngành rủi ro, cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm và thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam. Trên tinh thần đó, ngành dầu khí tái cấu trúc lại và nâng cao nội lực của mình", ông Tuyển góp ý.
Theo thống kê, nhu cầu năng lượng Việt Nam tăng bình quân 10% một năm, trong số này dầu khí đóng góp 40% tổng cung năng lượng sơ cấp, và khoảng 35% tổng cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng.
Cùng với than, thuỷ điện, dầu khí luôn là nguồn năng lượng chính đảm bảo cho sự ổn định hoạt động sản xuất thương mại, dân sinh. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, sản xuất 170 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện của cả nước... Theo dữ liệu kinh doanh đến cuối tháng 6, PVN đạt doanh thu hơn 365.500 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 53.000 tỷ đồng.
Anh Minh