Ngày 5/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan quản lý lĩnh vực năng lượng, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng điện, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện trong thời gian tới.
Với các tập đoàn, Phó thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát điều kiện khí hậu thủy văn và nhiên liệu cho sản xuất điện... để xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đảm bảo cung ứng điện, hiệu quả.
EVN cần tăng cường quản lý vận hành lưới điện, trong đó có lưới truyền tải 500 kV Bắc - Nam, không để xảy ra sự cố lưới điện làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện.
Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm cung úng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết; đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện. Cùng đó, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) tính toán, ưu tiên nguồn khí cho sản xuất điện, nhất là trong các thời điểm khó khăn về cung ứng điện.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước, nhất là đối với các khu vực có mức tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt lớn.
Văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra sau diễn biến tình hình cung ứng điện căng thẳng thời gian qua. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện liên tục phá kỷ lục các năm trước đó, như thời điểm ngày 21/6 công suất tiêu thụ điện đã lần đầu vượt 38.000 MW, đạt 38.147 MW lúc 14h. Đây là mức công suất đỉnh cao kỷ lục.
Để đảm bảo cung cấp điện, EVN phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao, 3.500 - 5.000 đồng một kWh. Riêng ngày 21/6 tập đoàn này huy động 2.000 MW điện chạy dầu để đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất.
Hôm qua, tại cuộc họp Chính phủ trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Công Thương làm đầu mối, sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá và đề xuất giải pháp phù hợp để tránh tình trạng gây bức xúc, hiểu lầm cho người dân.
Theo Thủ tướng, hiện công suất huy động lên tới 36.000 - 37.000 MW, có thời điểm phải chạy dầu diesel để bù, đảm bảo đủ điện. "Nếu sang năm tiếp tục hạn hán nữa thì còn điện để đảm bảo không?", ông đặt câu hỏi trước lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện các tập đoàn có nguồn sản xuất, phát điện. "Bây giờ lo là vừa rồi để không bị động", Thủ tướng nhấn mạnh.
Anh Minh