Báo cáo tại phiên họp thường trực Chính phủ chiều 30/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn một loạt các biện pháp công bố giới hạn giao thương chính thức và không chính thức của chính quyền Trung Quốc với Việt Nam.
Tại Vân Nam, sáng 29/1, sau khi Việt Nam xuất khẩu được 20 container thanh long, cơ quan chức năng Trung Quốc tại cửa khẩu Hà Khẩu dừng thông quan vì phát hiện một lái xe Việt Nam sốt cao. Cục Công nghiệp và Thông tin huyện Tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu sau đó thông báo dừng hoạt động thương mại tại Khu chợ Biên giới Hà Khẩu - Bắc Sơn từ ngày 30/1 đến ngày 8/2.
Chính quyền Vân Nam cũng hạn chế người, phương tiện lưu thông qua lại giữa các vùng; kiểm tra thân nhiệt với tất cả người tham gia giao thông và nơi cư trú....
Bên cạnh đó, Sở Thương mại Quảng Tây đã kiến nghị Chính quyền Quảng Tây dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân trên toàn tuyến biên giới Quảng Tây, từ ngày 31/1 đến 10/2.
Theo phản ánh của doanh nghiệp và Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc đã có động thái hủy hoặc chậm đơn hàng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam.
"Điều này có thể xảy ra với các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới", ông Tuấn Anh nói và đánh giá, các biện pháp công bố và không công bố chính thức của Chính phủ Trung Quốc, Chính quyền Quảng Tây, Vân Nam như vậy là chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Ngoài ra, khi Chính phủ Trung Quốc dồn toàn lực chống dịch bệnh, việc xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam với một số ngành như tổ yến, bột cá... vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Vệc đánh giá lại một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang bị đình trệ...
Bộ Công Thương cũng kiến nghị giao Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, hộ sản xuất nông thủy sản Việt Nam.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận những rủi ro về kinh tế cho Việt Nam vì ngoài cảng hàng không quốc tế, Việt Nam còn có đường biên giới rất dài với Trung Quốc. Ông đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư cần báo cáo cụ thể những giải pháp, tìm kiếm đa dạng hoá thị trường và cách khắc phục hậu quả. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh nhiệm vụ này.
Theo ông dự báo, hai ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch nCoV là dầu mỏ và du lịch. Ngay chiều 30/1, giá xăng dầu đã giảm sâu. Ngoài ra, chốt phiên giao dịch ngày khai xuân, VN-Index cũng mất 31,88 điểm (-3,22%) xuống còn 959,58 điểm khiến vốn hóa thị trường mất 108.970 t đồng (hơn 4,7 tỷ USD), là một trong những thị trường mất điểm lớn nhất trong khu vực và trên thế giới.
Còn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường sản xuất dụng cụ y tế, khẩu trang, dụng cụ bảo hộ, kính... vì hiện nay Trung Quốc đã đặt vấn đề cung cấp cho họ. Việc tăng cường sản xuất cũng sẽ đáp ứng nhu cầu phòng dịch trong nước.
Đến 12h00 ngày 30/1, thế giới đã ghi nhận 7.819 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong (162 trường hợp tử vong tại Vũ Hán, Trung Quốc).
Tại Việt Nam, đến 15h20 ngày 30/1 đã có 5 trường hợp nhiễm virus Corona (nCoV) trong đó có ba người trở về từ Vũ Hán và hai bố con người Trung Quốc điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy. Người con điều trị kết quả tốt, đã cho kết quả âm tính; còn người bố trên nền K phổi, đái tháo đường, cao huyết áp, thể trạng, cơ địa phòng, chống dịch bệnh yếu hơn nên xét nghiệm vẫn dương tính.