Theo đề án kinh tế chia sẻ vừa được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý tại đề án này, là Chính phủ cho phép thử nghiệm cơ chế dạng sandbox trong triển khai và ứng dụng các công nghệ mới của mô hình kinh tế chia sẻ. Các mô hình kinh tế chia sẻ phù hợp với phát triển, trình độ kinh tế xã hội đất nước cũng sẽ được khuyến khích phát triển.
Đề án này cũng đưa ra các nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong tương lai. Bốn nhóm giải pháp để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống cũng được nêu. Cụ thể là các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, người dùng dịch vụ; giải pháp về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ và giải pháp phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình này.
Trong đó, nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ nhằm hiểu rõ trách nhiệm khai báo thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành cho các cơ quan quản lý Nhà nước..
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ để nâng cao năng lực hiểu biết, pháp luật về hợp đồng số; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
Anh Minh