Một tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khiến thị trường ngạc nhiên khi nói rằng Fed có thể cần tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn so với mức 25 điểm cơ bản (0,25%) hồi tháng 2, để kiềm chế lạm phát dai dẳng. Nhưng chỉ vài ngày sau, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank bị đóng cửa.
Bộ Tài chính Mỹ và Fed phải tung ra một chương trình cho vay khẩn cấp quy mô lớn để hỗ trợ hệ thống ngân hàng, khi nhiều nhà băng đối mặt với nguy cơ bị rút tiền. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường cho thấy nhà đầu tư ngày càng lo ngại bất ổn tài chính có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm gần 0,5% khi các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ giảm quy mô tăng lãi suất. Thậm chí là dừng hoàn toàn chiến dịch thắt chặt kéo dài một năm qua. Cổ phiếu các ngân hàng Mỹ cũng trượt dốc.
Theo Bloomberg, điều đáng lo ngại là sự sụp đổ của SVB và Signature Bank chỉ là sự khởi đầu cho những thiệt hại từ chính sách "diều hâu" (thắt chặt tiền tệ) của Fed. Tình trạng hỗn loạn mới có thể buộc giới chức Fed thay đổi kế hoạch
Trước áp lực thị trường, một số nhà hoạch định chính sách có thể đề xuất duy trì tốc độ tăng lãi ở mức độ vừa phải hơn. Lorie Logan, Chủ tịch Fed Dallas - quan chức hàng đầu của Fed về mức độ am hiểu thị trường - đã liên tục đề nghị cách tiếp cận thận trọng hơn, sau những đợt tăng mạnh năm ngoái.
"Giảm tốc là cách đảm bảo chúng tôi có thể đưa ra quyết định tốt nhất", Logan cho biết trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách tiền tệ hồi tháng 1.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo theo quan điểm "diều hâu" tại Fed có thể dựa vào khả năng mở rộng tín dụng của nền kinh tế để đề nghị tăng lãi mạnh hơn. Thị trường lao động vững mạnh và báo cáo lạm phát tăng tốc sẽ củng cố lập luận này. Đến nay, Fed đã tăng lãi 8 lần liên tiếp.
Diễn biến các hợp đồng tương lai đang cho thấy sự chia phe của thị trường với câu hỏi liệu Fed có giữ nguyên lộ trình hay không. Một số thậm chí đặt cược vào việc giảm lãi suất cuối năm. Goldman Sachs Group hiện dự đoán Fed không tăng lãi suất tuần tới. Các nhà kinh tế của Barclays cũng vậy.
"Đây là lần đầu tiên trong chu kỳ này, quan chức Fed mâu thuẫn về nhiệm vụ của họ", Marc Sumerlin, người sáng lập Evenflow Macro tại Washington cho biết, "Ngân hàng trung ương được thành lập để ổn định thị trường tài chính và rõ ràng họ đã làm điều đó. Nhưng lúc này, họ phải đối mặt với một vấn đề. Để ổn định, họ phải ngừng nâng lãi. Nhưng để ghìm lạm phát, họ phải thắt chặt hơn nữa".
"Khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng, sự chững lại của thị trường bất động sản, thị trường lao động suy yếu và hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng cho thấy tăng lãi suất thêm 0,25% sẽ là phù hợp. Nếu lạm phát tăng tốc mạnh, mức tăng 50 điểm cơ bản có thể sẽ được tính tới trong các cuộc họp tháng 3 hoặc tháng 5", Anna Wong - kinh tế trưởng tại Mỹ của Bloomberg, đánh giá.
Cuối năm 2021, Fed từng phải thay đổi quan điểm điều hành khi lạm phát nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng thông điệp tuần trước của Powell cũng không còn phù hợp với những rủi ro đang hình thành trong hệ thống tài chính nữa. Việc cổ phiếu ngân hàng lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần này khiến thị trường bắt đầu so sánh với giai đoạn tháng 8/2007 - trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra.
"Các ngân hàng trung ương đã trở thành nguồn cơn gây ra, thay vì xoa dịu, biến động vĩ mô", Dario Perkins, nhà kinh tế học tại TS Lombard cho biết.
Dù vậy, lạm phát có thể nhắc nhở những người theo dõi Fed cũng như các nhà đầu tư rằng sứ mệnh của giới chức vẫn chưa hoàn thành. Trong một báo cáo gửi khách hàng, các nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics viết: "Những sự kiện này sẽ khiến mọi người thận trọng hơn, nhưng phải được cân bằng với bức tranh lạm phát đang ngày càng xấu đi". Họ dự báo Fed vẫn tăng lãi, nhưng khả năng tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3 đã giảm đáng kể.
Minh Sơn (theo Bloomberg)