Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các dự án thành phần đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) có thể khởi công vào tháng 4/2020. Bộ cũng cho hay, với tốc độ như hiện nay, đến khi khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng sẽ đạt khoảng 70% tổng khối lượng.
Bộ Giao thông cho biết, từ khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (tháng 11/2017), sau 11 tháng Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện toàn bộ các thủ tục theo quy định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần.
"Trình tự, thời gian lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã được rút ngắn 3-5 tháng; tiến độ tổng thể dự án vẫn bảo đảm", Bộ Giao thông đánh giá.
Việc lựa chọn nhà thầu áp dụng hình thức đầu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển quốc tế và giai đoạn đầu thầu. Đã có 24 nhà đầu tư trong nước, 6 nhà đầu tư Trung Quốc, 2 của Nhật Bản, 1 của Pháp và 1 từ Hàn Quốc mua hồ sơ.
2 dự án đầu tư công sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 5, tháng 6 và dự kiến khởi công những gói thầu đầu tiên khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 trước khi khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 10. Riêng cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất đặc thù nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến hoàn thành vào tháng 11 và khởi công khoảng tháng 1/2020. Còn 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến đến cuối tháng 9/2019 cũng hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Bước sơ tuyển sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư có điểm xếp hạng cao nhất vào phòng đấu thầu. Theo Bộ Giao thông Vận tải, với đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng có vai trò rất quan trọng, trong khi kinh nghiệm đấu thầu quốc tế của Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ đã đấu thầu, lựa chọn tư vấn quốc tế để hỗ trợ quá trình xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu - dự thảo hợp đồng và hỗ trợ quá trình tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng.
Dự kiến của Bộ là phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án thành phần khoảng đầu tháng 10/2019. Quá trình thẩm định, phê duyệt và chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký hợp đồng... sẽ kết thúc trong tháng 4/2020.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn khoảng 118.000 tỷ đồng. Gần 64.000 tỷ đồng sẽ được huy động ngoài vốn ngân sách.
Trong đó, 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long) có chiều dài hơn 120 km, tổng vốn Nhà nước hơn 14.200 tỷ đồng.
8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 533 km, với tổng mức đầu tư hơn 88.200 tỷ đồng (vốn BOT hơn 51.700 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 36.500 tỷ đồng).
Anh Minh