Chiều 4/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà là vị trưởng ngành thứ hai bước vào phiên chất vấn của Quốc hội với hàng loạt vấn đề đang nhức nhối. Trong lần đầu ngồi "ghế nóng" trên cương vị bộ trưởng, ông Phạm Hồng Hà trả lời với tinh thần khá cầu thị khi nhiều lần "thừa nhận những thực trạng mà các đại biểu nêu".
Tình trạng 'chủ đầu tư chỉ đạo quy hoạch'
Chất lượng quy hoạch thấp là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất. Nhiều ý kiến đặt vấn đề "có chuyện phá nát quy hoạch đô thị; thậm chí phải điều chỉnh nhiều lần theo ý chủ đầu tư". "Có hay không việc nhiều chủ đầu tư 'chỉ đạo' quy hoạch", Đại biểu Phan Viết Lượng đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nói: "Bộ chưa có thông tin đầy đủ, song không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó". Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, theo ông, "cũng có thể có tác động ở giai đoạn nào đó, bằng biện pháp nhất định".
Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi này. "Bộ Xây dựng trong năm 2019 và 2020 sẽ thanh tra quy hoạch chi tiết một số khu đô thị lớn, giải quyết dứt điểm tình trạng này", ông nói.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong vấn đề tổ chức đô thị hiện nay khi chưa có sự kiểm soát dẫn đến thực trạng nhà siêu mỏng.
Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu nguyên nhân là chất lượng khâu quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị kém. Một số dự báo chưa đúng tốc độ tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó tính toán sai cấu trúc, không gian, chỉ tiêu về hạ tầng. Bên cạnh đó, theo ông, chất lượng đồ án quy hoạch thiếu điều kiện thực hiện, vẽ ra nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, nguồn lực giải phóng mặt bằng nhưng thực tế lại rất phức
Về giải pháp, ông Hà cho biết sẽ công bố công khai quy hoạch và cố gắng kiểm soát thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch cũng như xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
‘Xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực, HH Linh Đàm là trách nhiệm của TP Hà Nội’
Khi nói về tình trạng vi phạm quy hoạch, quản lý đô thị, ông Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh "truy" trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.
Trả lời về nội dung này, ông Phạm Hồng Hà khẳng định "xử lý vi phạm các dự án này là trách nhiệm xử lý của TP Hà Nội".
Ông cho biết, Hà Nội đang phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép và trong quá trình phá dỡ theo chiều dọc, có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình. "Ở phần này, Bộ Xây dựng sẵn sàng giúp TP Hà Nội nếu được yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý cho tốt hơn", ông nói. Với vi phạm tại dự án HH Linh Đàm, ông Hà một lần nữa nhấn mạnh "đây là trách nhiệm xử lý của Hà Nội không phải của Bộ Xây dựng".
Không đồng tình với phần với trả lời của ông Hà, ông Hồng giơ biển tranh luận. "Bộ trưởng nói Hà Nội yêu cầu thì Bộ sẽ giúp. Như vậy không đúng vai trò của một bộ quản lý nhà nước", ông Hồng nói và cũng đề nghị được biết rõ "bao giờ sẽ xử lý sai phạm tại khu HH Linh Đàm"
Đại biểu này cũng đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cam kết xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.
Giải thích sau đó cho đại biểu, ông Phạm Hồng Hà cho biết, từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định nhà nước cùng với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực. "Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ", ông Hà nói.
Thừa bất động sản phân khúc cao, thiếu nhà thu nhập thấp
Trước chất vấn của đại biểu, ông Phạm Hồng Hà thừa nhận tình trạng thị trường chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn lực tài chính cho bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ.
Hiện có Nghị định của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng thực tiễn thực hiện theo ông Hà đánh giá là chậm và hệ thống thông tin chưa đồng bộ.
Ông nêu thực trạng các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian.
Trong năm 2019 sẽ có quy chuẩn về condotel, officetel
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel). Bà cũng đề nghị được biết khi nào có pháp lý cho các loại hình này.
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel...). Ông khẳng định tiêu chuẩn, quy chuẩn này sẽ được ban hành trong năm 2019. Đồng thời, ông cũng bổ sung, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.
Phiên chất vấn ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Xây dựng sẽ tiếp tục vào sáng mai (5/6). Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sẽ đăng đàn, giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.
Xem diễn biến chính