Tại cuộc họp với một số doanh nghiệp, cơ quan có liên quan về hoạt động quảng cáo của Google tại Việt Nam diễn ra hôm nay (25/6), Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, cũng giống như các doanh nghiệp tại nước sở tại. Ông cho rằng, thượng tôn pháp luật là "điều kiện tiên quyết của một doanh nghiệp tử tế".
"Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các đơn vị này tuân thủ luật định", ông Hùng nhấn mạnh.
Cuộc họp này diễn ra sau khi gần đây, cơ quan quản lý tiếp tục phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước được gắn trong các video có nội dung xấu, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube. Cuộc họp có sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành quảng cáo, cũng như đơn vị lớn chi tiền cho hoạt động này trong thời gian qua.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới kiếm càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm phải càng lớn hơn. Ông cũng tin các đơn vị này nắm trong tay công nghệ thì nhất định sẽ giải quyết được việc ngăn chặn những nội dung xấu, độc nói trên. Bởi theo ông, các nền tảng này đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khách hàng, nhưng đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn các nội dung xấu, độc. Ông cho biết ngành thông tin truyền thông sẽ cùng các Bộ, ngành ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt đang sử dụng các kênh quảng cáo của Google. Theo ông Hùng, một doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội và đất nước.
"Tương lai, số phận đất nước, tương lai con cháu chúng ta thì không thể chỉ trông mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp hoặc một ai đó, mà phải do chúng ta quyết định", ông nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các đơn vị mua quảng cáo trên các nền tảng sạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu những biện pháp sẽ thực hiện để làm sạch không gian mạng đối với người dùng Việt Nam. Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ xây dựng khung pháp luật trong đó quy định chế tài để xử lý người "xả rác", làm ra các nội dung xấu độc. Các doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ "quét rác", không được chối cãi, cũng giống như một người chủ chợ thì phải dọn rác cho tiểu thương kinh doanh. Chính quyền, cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò phát hiện phần còn lại và yêu cầu giữ, bỏ. Với cách làm này, Bộ trưởng cho rằng phần "rác" chính sẽ là do người dùng và doanh nghiệp dọn dẹp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, quá trình rà quét của cơ quan này phát hiện gần đây có khoảng 55.000 video xấu độc, phản động, tin giả, đó là chưa kể 8.000 video đã gỡ trước đó.
Các doanh nghiệp tại cuộc họp nhấn mạnh việc luôn tuân thủ pháp luật trong việc triển khai hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một số đơn vị đặt hàng quảng cáo thông qua đại lý nên khó kiểm soát hết rủi ro. Do đó, sau khi nhận được các thông tin yêu cầu của cơ quan quản lý về việc phải dừng các hoạt động quảng cáo trong clip xấu, độc thì đều thực hiện ngay và có giải trình.
Hiện cơ quan quản lý đã gửi công văn yêu cầu 60 nhãn hàng, thương hiệu lớn dừng ngay quảng cáo trong các clip phản động chống phá nhà nước. Cục cũng nhấn mạnh sẽ phối hợp với lực lượng an ninh và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Nguyễn Hà