Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông vừa tiếp tục công bố một loạt hành vi sai phạm của YouTube, Google tại Việt Nam. Cơ quan này cho biết, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các cá nhân kinh doanh trên Internet trong nước có xu hướng lựa chọn hình thức mua quảng cáo trực tiếp, không thông qua đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo để giảm chi phí trung gian. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, hành vi này chưa tuân thủ quy định tại Nghị định số 181/2013.
Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, gần đây Google cũng gắn nội dung quảng cáo không phép, thậm chí vi phạm pháp luật vào những bài viết trang thông tin điện tử tổng hợp. Hoạt động này cơ quan quản lý cho rằng do Google không kiểm soát được chặt chẽ về nội dung quảng cáo và vị trí hiển thị quảng cáo nên đã xuất hiện một số quảng cáo có nội dung phản cảm, dung tục, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ không phép....
Trước đó, đầu năm 2017, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.
"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo; là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube", đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử đánh giá.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cho biết, các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam cũng mắc nhiều vi phạm như không kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng YouTube khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn. Các đơn vị này cũng không báo cáo cho cơ quan quản lý về hoạt động dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam là vi phạm quy định.
Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử cho biết, Bộ Thông tin & Truyền thông đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước thống nhất chủ trương ngăn chặn, quản lý dòng tiền và hoạt động thanh toán liên quan đến nội dung xấu trên các nền tảng xuyên biên giới.
Hiện nay Luật Thuế đang được sửa đổi nhằm bổ sung các quy định chặt chẽ hơn đối với việc thu thuế các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có Google. Ngoài ra, những người kinh doanh trên mạng xã hội, làm nội dung để nhận tiền quảng cáo cũng sẽ được cơ quan quản lý tăng cường rà soát, phát hiện và yêu cầu nộp thuế chặt chẽ hơn trước.
Nguyễn Hà